Bao bọc bởi những dãy núi đá vôi có niên đại hơn 450 triệu năm, hồ Ba Bể thuộc vườn quốc gia Ba Bể là một trong 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Giai đoạn kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri đã đưa khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dày hơn 30m lên lưng chừng núi đá vôi, tạo ra Hồ Ba Bể. Ba nhánh của hồ thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.

Hồ Ba Bể nằm ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cách Hà Nội khoảng 240 km, hồ chạy dài hơn 8km. Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, địa chất địa mạo và đa dạng sinh học. 😀 

Ðiều kỳ diệu ở hồ Ba Bể là trong quá trình biến đổi địa chất, đá vôi đã biến thành những mảng đá hoa cương. Theo các nhà địa chất thì điều này vô cùng độc đáo và hiếm thấy. Vậy tại sao, hồ Ba Bể có thể trường tồn trên núi đá, nước không chảy đi mất? Đó là bởi, dưới đáy hồ có một lớp đất sét dày tới 200 mét, bịt kín các khe hở. Chính tầng đất sét này không cho nước thoát xuống!

Bài viết này của mình sẽ không nhắc lại truyền thuyết hồ Ba Bể mà chúng ta đều đã được học từ Tiểu Học nữa mà nói luôn về kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể bạn nhé!

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Hòn Bà Góa – Kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể

Mình vốn hứng thú với động vật, mùa bướm, mùa chim… Thiên thời địa lợi nhân hòa, nếu có thể sắp xếp “thời gian vàng” với mỗi địa điểm mình đều cố gắng đi. Lần trước, Hồ Tiểu Giang đã đi ngắm bướm bay ở Vườn Quốc Gia Cúc Phương – Ninh Bình, và giờ là hồ Ba Bể. 

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Hẹn hò lũ bạn làm một chuyến đi hồ Ba Bể đi!

Thời điểm đẹp nhất để “săn” (ngắm bạn nhé, dùng từ mạnh cho kêu thôi!) ở Hồ Ba Bể nói riêng và các khu vực khác ở nước mình nói chung là tháng 4 dương lịch hằng năm. Theo nhiều tiền bối truyền lại thì đầu tháng 4 là rập rờn nhất. Mà chúng ta, ở Việt Nam thường có kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ 10/3 hay rơi vào đầu tháng 4, nên đợt nghỉ lễ năm đó, thay vì xô bồ ở các điểm du lịch nổi tiếng hay nằm nhà tĩnh dưỡng, mình quyết định đi hồ Ba Bể, nơi mình đã muốn đến từ rất lâu, rất lâu.

Và khi trở về, ghi dấu chân thêm một tỉnh thành nữa trên cào bản đồ Việt Nam! 🙂 

Nhóm mình đi tự túc 2 người, lại chỉ chuẩn bị chuyến đi trước 10 ngày nên không kịp ghép tour/xe với các nhóm khác. Mình tìm hiểu thấy phần lớn đều là các xe đưa người nước ngoài đi Ba Bể. Thuê xe riêng thì đắt, đi xe máy thì vất vả, đi xe khách thì lâu và phụ thuộc thời gian, sau khi cân nhắc chán chê, mình chọn đi xe khách.

Hiện giờ để đi Cao Bằng, bạn ra bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa. Hiện chuyến Hà Nội – Bắc Kạn không có xe đêm. Mình dự định đi 2 ngày mà không có gì để đi ngoài Ba Bể, lại tốn kém phát sinh nhiều chi phí nên đi trong ngày. Điểm trừ là, đi trong ngày, bạn cần nhiều sức khỏe.

https://www.youtube.com/watch?v=7DVPlJllVAQ
Thông tin về nhà xe Thưởng Nga đi Bắc Kạn

Sau khi tìm hiểu và gọi vài cuộc điện thoại tìm hiểu nhà xe và giờ chạy, mình chọn đi xe Thưởng Nga.

Nếu bạn có kế hoạch đi hai ngày một đêm nghỉ ở Hồ Ba Bể thì có thể chọn đi xe 9 giờ sáng, tầm 3 giờ chiều đến nơi, đi thẳng đến Hồ Ba Bể, giá vé 130k. Xe đi nhanh thì 5 giờ, thực tế là mất khoảng 6 tiếng. Còn mình đi trong ngày, phải đi chuyến sớm 6 giờ sáng từ Mỹ Đình, Yên Nghĩa là 5 giờ sáng.

Nếu bạn dự định đi dài ngày hơn, có thể kết hợp phượt thêm Tuyên Quang , Cao Bằng, Thái Nguyên…

Bạn lưu ý, không theo quy định thông thường, viết đúng chính tả là “Bắc Kạn”, chứ không phải “Bắc Cạn” nhé!

Háo hức với chuyến đi, 5 giờ hai đứa dậy, ra bến xe. Trời mưa nhỏ, hai đứa lên xe ngủ mê mệt, xe đến Thái Nguyên là khách xuống dần, người ít hẳn.

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Vé xe bus ra hồ Ba Bể

Xe đi hồ Ba Bể nhỏ và xấu. Mưa to ở Thái Nguyên. Mình ngắm đường, thầm cầu mong trưa sẽ tạnh và nắng lên để bướm bay ra… Không hiểu sao trời xám xịt mà mình lạc quan thế, tin tưởng sáng chói là nắng sẽ lên, giờ mình đang đi xe mưa cũng được, đến nơi nắng chan hòa là miễn chê.

Buổi trưa, xe lên đến thành phố Bắc Kạn, và… tạnh mưa thật! Cảm ơn ông trời rất rất nhiều! 🙂 

Xe dừng trong bến xe, hai đứa vào ăn cơm ngay trong bến. Đi xe Thưởng Nga tới thành phố Bắc Kạn sẽ có xe trung chuyển 16 chỗ đưa ra Hồ Ba Bể. Tiền vé đã kèm luôn khi bắt xe từ Hà Nội. Hoặc nếu bạn chỉ đi xe trung chuyển giá vé là 40k/vé.

Hoặc bạn cũng có thể đi xe bus, xe 02 đến hồ Ba Bể. Giá vé 35k/người. Bạn chỉ cần ra cổng bến xe để bắt bus. Bạn nhớ hỏi thêm người dân địa phương để đứng đúng điểm bắt xe nhé! Mình chỉ đi bus chiều đi còn chiều về đã có xe đón tận hồ về Hà Nội.

Bạn lưu ý, thông tin tuyến đường, xe bus công cộng sẽ thay đổi theo thời gian, bạn nhớ check các thông tin mới nhất để chuyến đi thuận lợi nhé! 🙂 

Xe khách/ xe bus chỉ đưa mình và em gái đến đường lớn, dừng ở lối rẽ vào hồ. Từ đây còn khoảng 2 km mới vào đến hồ Ba Bể. Để vào hồ, bạn có thể bắt xe ôm, có một số bác tài đã đợi sẵn ở đó. 

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Đi thuyền Hồ Ba Bể

Xuống xe, hai đứa đang lơ ngơ, dự định đi bộ đến hồ thì gặp một chị đang đi xe máy vào. Mình hỏi đường và chị cho hai đứa đi nhờ luôn. Cảm ơn chị rất nhiều! Chị kể, chị làm giáo viên, trước ở dưới xuôi, lấy chồng ở đây. Nhà chị làm homestay vài năm nay, chủ yếu cho khách Tây…

Đến đoạn rẽ vào nhà chị, chị dừng xe, 2 đứa tiếp tục đi bộ xuống….

Sau cơn mưa, đường trong rừng ẩm và trơn. Bến thuyền lác đác du khách. Nắng chiếu xiên qua tán cây, làm màu nước sáng lên. Không gian mát mẻ. 

Bạn có thể thấy bảng giá đi thuyền niêm yết dưới đây:

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Bảng giá niêm yết du lịch hồ Ba Bể

Bọn mình có 2 người nhưng không thấy đoàn khách nào để ghép nên đi thuyền nhỏ vừa phải. Cung bọn mình chọn đi mất khoảng 2 giờ, là cung phổ biến, giá 400k/2 người – đây là giá sau khi đàm phán (oai quá cơ!). Đi cung này gồm đảo bà Góa, đền An Mạ, một vòng hồ, dừng ở một điểm ngắm bướm theo yêu cầu – đây là yêu cầu riêng của mình với anh lái thuyền.

Ngoài ra, vé thăm quan hồ Ba Bể là 46k/người lớn, trẻ em dưới 16 tuổi là 22k. Vé thăm quan động Hua Mạ, 22k/người lớn, trẻ em dưới 16 tuổi là 12k. Giá vé đã bao gồm bao hiểm và thay đổi theo thời gian! 🙂

Nếu bạn đi thuyền thăm động Puông hay Thác Đầu Đẳng thì cần nhiều thời gian hơn.

Anh lái thuyền kể, bình thường bến thuyền có nhiều bướm, nhưng hôm đấy trời mưa nên ít hẳn, chỉ vài cánh bướm nhỏ rập rờn trong nắng. 😕 

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Thuyền dài chở khách, đầy đủ phao cứu sinh

Đi được một lúc thì vài đoàn khách du lịch đến. 

Tránh mất thời gian, mình nói thẳng với anh lái thuyền là mình đến vì những chú bướm nên anh biết chỗ nào nhiều bướm nhất thì đưa mình đi đầu tiên…

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Bến thuyền hồ Ba Bể vắng vẻ

Thuyền đi một vòng hồ Ba Bể. Nước trong xanh, yên bình. Tuy nhiên, ven những hòn đảo nhỏ, rác nổi lềnh bềnh, xâm chiếm thật xấu xí. 😥 

Bọn mình đến một hòn đảo cạnh đảo có đền An Mạ. Lúc mình đến đã có 2 nhóm đang chơi picnic tại đây, dải chiếu ăn uống vui vẻ. Đặc biệt, là đảo có rất nhiều bướm, như các bạn thấy, phần lớn video của mình được quay tại đây!

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Đi thuyền một vòng hồ Ba Bể

Nói chung, tuy may mắn trời nắng bướm ra nhiều hơn nhưng mình vẫn đen là chủ yếu chỉ có bướm nhỏ màu trắng, gần như không có loại khác.

Bí quyết là bạn cứ chờ để bướm đậu cụm lại rồi mới tới gần chụp ảnh, lúc này bướm bay tưng bừng mới kỳ ảo… 😎 

Còn các bí kíp “dụ bướm” mình đã chia sẻ kỹ ở bài Ngắm bướm ở Vườn Quốc Gia Cúc Phương, bạn vào link xem thêmnhé!

Sau đó, bọn mình lên Đền An Mạ. Đây là đền trấn vùng hồ Ba Bể. Cá nhân mình thấy đền không có gì đặc biệt.

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Đền An Mạ ở hồ Ba Bể Bắc Kạn

Lên thuyền ra thăm hồ, cả thế giới như trôi cùng hai đứa. Như thường lệ, đầu thuyền là nơi lý tưởng để chụp ảnh so deep… 😉 

Gió mát thổi hương hồ quyến luyến. Thời tiết dễ chịu, du khách không hề cảm thấy mệt mỏi, tha hồ tận hưởng thiên nhiên. 

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Đảo Bà Góa nhìn từ xa

Nhược điểm duy nhất ở khung cảnh thần tiên này là tiếng thuyền máy ồn ào, khó nói chuyện.

Mình đề xuất đi ao Vua thì anh lái thuyền nói, chỗ đấy không có bướm nên không đi.

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Du khách chụp ảnh ở hòn Bà Góa

Địa điểm cuối cùng – hòn Bà Góa, nghe tên gớm ghiếc, nhưng đúng với ý nghĩa hồ Ba Bể sinh ra, hòn Bà Góa đẹp như tấm lòng người phụ nữ nhân hậu đấy! Hòn Bà Góa nhìn qua thì toàn đá với vô số hình thù kỳ lạ. Những cây cổ thụ to lớn bao trùm lấy đảo. Thế nhưng lên đến đảo thì đẹp ngoài sức tưởng tượng. Tán lá hiên ngang, xanh ơi là xanh, vẫy gọi trong gió! Rễ cây tựa những con rắn mạnh mẽ, ôm siết những phiến đá. Túm lại, hòn Bà Góa lên ảnh đẹp bất ngờ! 😀 

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Dựng tripod để chụp ảnh ở hòn Bà Góa – nơi vắng vẻ thế này khó nhờ người chụp lắm

Sau khi bài lên, có nhiều bạn đọc inbox hỏi mình về tripod chụp ảnh, mình để link mua Tiki ở đây, bạn có thể tham khảo nhé!

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Một sạp bán đồ khô – đặc sản hồ Ba Bể

Trên bến thuyền có nhiều sạp bán đồ của người dân, phần lớn là đồ khô như các loại thảo dược, cá khô, mực khô… được giới thiệu đánh bắt từ hồ Ba Bể. Mình thì không biết nên không mua, bởi trước đây đã được nhận một bài học ở Điện Biên.

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Cá mương nướng Ba Bể

Tuy nhiên, để ủng hộ kinh tế địa phương, mình mua của một cô gần đấy chút đặc sản “nóng hổi” như Cá mương khô nướng 3k/kẹp, khoảng 5,6 con. Bánh ngải – một đặc sản của người Tày – giống bánh dày nhân đỗ nhưng dùng bột pha lá ngải có màu xanh của núi rừng. 

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Rau dớn (Ba Bể, Bắc Kạn)

Nổi tiếng ở Bắc Kạn và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung là các loại rau rừng như rau sắng (rau ngót rừng), rau dớn, rau bồ khai (rau dạ hiến)… Tuy nhiên, mình đi một vòng hỏi mà rạp nào cũng kêu đã bán hết. Về sau, khi xe dừng ở bến xe, mình phát hiện sau bến xe có chợ nên đã vào mua. Mua về, nhặt và chế biến món gì hợp bạn nhớ hỏi người bán để được tận hưởng ưng ý nhất nhé! Thật sự ngon lắm các bạn ạ, bạn nhớ mua về thưởng thức! 😉 

Du lịch ở hồ Ba Bể, Bắc Kạn mùa đông nhất là nghỉ lễ và mùa hè, lúc mình đi là thấp điểm. Nhưng mùa hè lại ít thấy bướm!

kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể
Kinh nghiệm đi thuyền hồ Ba Bể

Bạn có thể đi động Puông bằng đường bộ, đi xe vào khoảng 12 km, đi mất 3 đến 4 giờ. Đi như vậy, bạn cần nhiều thời gian hơn, có thể là 2 ngày hoặc thuê xe riêng để chủ động và tiết kiệm thời gian.

4 giờ chiều, xe khách Thưởng Nga đã chờ sẵn ngay bên hồ đưa du khách về thẳng Hà Nội. Xe đẹp và to. Bạn có thể thấy xe đỗ ngay trên hồ, và căn giờ để lên xe hoặc gọi điện đặt trước mùa cao điểm. Xe cũng dừng ở bến xe Bắc Kạn để du khách nghỉ và mua đặc sản địa phương. 

Hai đứa về đến Hà Nội sau 9 giờ tối, mệt nhưng xứng đáng. Đất nước mình đẹp thật, đi mãi không thôi… 🙂 

Đọc thêm:

Đi thuyền Thăm quan “Trời sinh một cặp” động Phong Nha động Tiên Sơn

Kinh nghiệm du lịch Ai Cập tự túc dành cho chị em (Phần 1)

Khám phá phim trường Hoành Điếm – Thánh địa phim cổ trang 

Ngược dòng thời gian 1 ngày lạc lối ở Angkor Wat – Campuchia

Bỏ túi kinh nghiệm du lịch núi Thương Sơn (Trung Quốc) tự túc

Leo núi Bài Thơ Hạ Long – Địa điểm “sống ảo” thần sầu của giới trẻ

Lịch trình đi Yên Tử 1 ngày – Thứ tự đầy đủ các chùa trên Yên Tử

Tất tần tật kinh nghiệm đi Côn Sơn Kiếp Bạc (Hải Dương) tự túc

Cách xin Visa Hàn Quốc du lịch tự túc siêu chi tiết (Update)

Review kinh nghiệm leo Fansipan (Sapa) – không gì là không thể! (P3)

Nhật ký hành trình Trung Quốc (Vân Nam – Hồ Nam) – Lung linh Phượng Hoàng Cổ Trấn (Phần 13)

Nhật ký hành trình Trung Quốc (Vân Nam – Hồ Nam) – Sừng sững Thiên Môn Sơn (Phần 12)

Nhật ký hành trình Trung Quốc (Vân Nam – Hồ Nam) – Huyền thoại Tây Lương Nữ Quốc Hồ Lugu (Phần 7)

Nhật ký hành trình Trung Quốc (Vân Nam – Hồ Nam) – Vườn quốc gia Trương Gia Giới (Phần 10)

Nhật ký hành trình Trung Quốc (Vân Nam – Hồ Nam) – Phượt Lệ Giang, Đại Nghiên Cổ Trấn (Phần 5)

“Đi bão” chúc mừng U23 Việt Nam – Tết đến sớm hơn ở Hà Nội

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here