Mình đã muốn chinh phục đỉnh Fansipan từ lâu nhưng cứ lần nữa mãi vì đủ lý do không thực hiện được. Nếu bạn cũng đang ấp ủ ước mơ này và đang tìm kiếm thêm thông tin để tham khảo chắc bạn cũng hiểu một phần.
Lên Fansipan bằng cáp treo thì đơn giản quá, ai cũng làm được và mình cũng đã thực hiện cách đây hai năm trong chuyến đi Sapa. Nhưng là người Việt Nam, mình cố gắng leo lên nóc nhà Đông Dương một lần trong đời , chỉ một lần thôi. Nên mình đã quyết định chinh phục đỉnh Fansipanngay sau kỳ nghỉ Tết vào cuối tháng 2.
Mình xin phép nói ngay từ đầu, mình là người có sức khỏe trung bình và cũng lười vận động như phần đông các bạn mà thôi. Để hạ quyết tâm thực hiện “big dream”, lại không rủ được ai vì bạn mình không đứa nào hứng thú, người hứng thú thì đã qua giai đoạn sung sức nhất như bầu bí, con nhỏ… hay đã leo trước rồi. Nên mình đặt tour đi một mình, đương nhiên là mình đi tour ghép với nhiều người khác. Không sao cả, trước lạ sau quen, đằng nào mình cũng đã có nhiều hành trình tương tự rồi.
Bài viết sau được ghi lại dưới dạng nhật ký hành trình, kinh nghiệm leo Fansipan của mình, hi vọng giải đáp một phần các băn khoăn, lo ngại của các bạn gái khi bắt tay chuẩn bị “chinh phục đỉnh Fansipan” của riêng mình. Mình đơn giản chỉ viết về những gì mình thực sự trải qua và những vấn đề, câu chuyện mình gặp phải.
Đỉnh núi Fansipan ở đâu?
Fansipan/ Phan Xi Păng/ Phan Si Păng là đỉnh núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” với chiều cao 3 143 m. Đỉnh núi Fansipan nằm ở dãy Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, thuộc vùng Tây bắc Việt Nam. Theo tiếng địa phương, núi tên là “Hủa Xi Pan”, có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh.
Chinh phục đỉnh Fansipan từ lâu đã là ước mơ của nhiều du khách. Để trekking Fansipan bạn cần đặt tour qua các công ty du lịch chuyên nghiệp hoặc tự túc với sự dẫn đường của người bản xứ.
Tổng quan hành trình chinh phục đỉnh Fansipan của du khách trong 2 ngày 1 đêm như sau: Đi xe giường nằm hoặc tàu hỏa từ Hà Nội đến Sapa. Sau đó phổ biến nhất là leo tiếp từ đỉnh Trạm Tôn hoặc qua bản Cát Cát. Các porter dẫn đường chủ yếu là người Mông sẽ hỗ trợ bạn trong suốt quá trình trekking Fansipan.
Trước kia từ Sa Pa lên đỉnh Fansipan và quay về mất khoảng 5–6 ngày. Nhưng hiện nay đường núi dễ đi hơn rất nhiều, thời gian rút ngắn chỉ còn 2 hoặc 3 ngày. Do đó, phổ biến nhất là tour leo Fansipan 2 ngày 1 đêm. Rất phù hợp cho du khách leo Fansipan vào 2 ngày nghỉ cuối tuần.
Ngày 1, xe ô tô đưa bạn đến Trạm Tôn, bạn sẽ leo từ độ cao 1 900m. Gọi là đỉnh cao 3 134 m nhưng thực chất bạn chỉ leo …nửa non thôi, nên đừng hoảng nhé! Buổi tối, du khách sẽ dừng chân và cắm trại ở độ cao khoảng 2 800m. Ngày 2, bạn sẽ leo tiếp lên đỉnh núi và quay về thị trấn Sapa vào cuối ngày.
Bên trên là tóm tắt cơ bản để bạn hình dung chuyến đi của mình, chi tiết, bạn đọc thêm ở link sau nhé!
Về độ khó, tiếng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, nhưng Fansipan không phải là ngọn núi khó leo nhất hay vất vả nhất. Không biết có phải vì nổi tiếng nên cung đường ngày một cải thiện và leo dễ dàng hơn (một chút) không? Mình thì chưa có điều kiện trải nghiệm leo các “danh núi” khác để đánh giá, tuy nhiên theo các tiền bối yêu thích trekking chấm điểm thì độ khó chinh phục đỉnh Fansipan vào khoảng 6/10, Bạch Mộc Lương Tử là 8/10, Nhìu Cồ San là 7/10, Tà Chì Nhù 7/10… bạn có thể tham khảo thêm.
…
Khi bạn đăng ký đặt tour, bên điều hành tour sẽ gửi file hướng dẫn cụ thể. Ở đây mình xin lược lại những ý chính, vài gạch đầu dòng đã áp dụng cho chính bản thân mình và “tối ưu” cho các bạn gái “lười vận động”, thể chất “thường thường bậc trung” hoặc yếu hơn!
Chuẩn bị Chinh phục đỉnh Fansipan như thế nào?
Luyện tập leo Fansipan
Đầu tiên cần phải khẳng định, yếu tố quyết định để chinh phục đỉnh Fansipan là ý chí. Vì sao ư? Không chỉ là khi bạn leo, ý chí giúp bạn không bỏ cuộc hay tránh ì ạch mà còn là kim chỉ nam và động lực để bạn dành thời gian và công sức để luyện tập trước khi đi.
Như mình chẳng hạn, bình thường đi làm, ở nhà hay đi bất cứ đâu có thang máy thì tội gì leo bộ, kể cả khi chỉ cách 1 tầng, leo xuống thì may ra chứ leo lên thì đừng hòng.
Vốn bình thường ở nhà, bạn nếu không chơi thể thao hay tập gym thì cũng đi trà sữa với bạn bè, nằm dài cày phim hay thậm chí đi làm thêm. Tự dưng bây giờ bỏ ra mỗi ngày 1 tiếng đi bộ, luyện tập sẽ khiến bạn cảm thấy nuối tiếc và …phiền phức vô cùng! Một tiếng đấy đáng lẽ bạn đang thư giãn hay shopping ở đâu rồi mới đúng.
Trên tất cả, “chi phí cơ hội” không phải ít, do đó, nếu không thật sự quyết tâm và chấp nhận “đầu tư” bạn sẽ bỏ cuộc chỉ sau vài lần tập luyện!
Mọi phương pháp tập luyện hiệu quả đều phụ thuộc vào sức khỏe hiện tại của bạn và các điều kiện tập luyện bạn có.
Thời gian lý tưởng luyện tập leo Fansipan là 1 tháng, khi đó, bạn có thể “giãn” thời gian luyện tập ra. Nhưng thực tế, mình leo ngay sau Tết, sau mấy ngày được vỗ béo trong tết nên mình chỉ có hơn 1 tuần luyện tập leo Fansipan. Do đó, mình phải tập đều mỗi ngày.
Bạn không chơi thể thao. Và leo 3,4 tầng đã thở dốc không nên hơi, đích thị là bạn và mình cùng câu lạc bộ “lazy” rồi!
Phương án chuẩn là tập 3 đến 4 ngày/tuần. Bao gồm từ chạy bộ, nhảy dây, đạp xe, bơi thậm chí đeo balo nặng khoảng 10kg! Hic! Nhưng mình không có đủ các điều kiện trên mà nhà lại sẵn …cầu thang (mình ở chung cư 30 tầng). Nên khởi động là mình leo xuống rồi đi vòng quanh sân vài vòng. Cuối cùng là leo bộ lên. Ngày nào cũng thế, mình luyện tập leo Fansipan từ 45 đến 60 phút!
Rất may là trước đấy 2,3 tháng mình có quay lại chơi thể thao một chút nên cơ thể cũng quen dùng sức hơn!
Nếu bạn ở level cao hơn, bạn có thể giảm tần suất hoặc giảm thời gian tương ứng nhé!
Chú ý:
- Trước khi leo, 2 ngày cuối cùng, bạn cân nhắc dừng tập để gân cốt được thư giãn.
- Bạn nên mặc trang phục thoải mái và đeo giầy thể thao đầy đủ khi tập luyện!
Chuẩn bị đồ leo Fansipan
Lều trại, túi ngủ, đồ ăn & nước uống, găng tay leo núi, đồ y tế, quần áo mưa… đều được tour chuẩn bị. Các bạn chỉ cần “cân nhắc” chuẩn bị đồ cá nhân! Nói là “cân nhắc” bởi lúc xếp đồ thì bạn thấy cái gì cũng cần, “biết đâu đấy” nhưng đến lúc leo rồi bạn lại chỉ muốn “tống đi cho xong” mà thôi!
Quần áo trekking: rộng rãi và thoáng mát để lúc trekking được thoải mái. Trong lúc trekking sẽ rất nóng (có khi chỉ mặc áo cộc tay) nhưng chỉ dừng lại sẽ lạnh cực nhanh, vì vậy có thể mặc áo dài tay hoặc thêm áo gió, nóng quá thì cởi ra buộc vào người. Nhưng theo mình thì kể cả khi nóng quá, các bạn gái vẫn nên mặc áo dài tay cotton, thấm mồ hôi tốt để …chống nắng. Đi trong rừng nhưng nắng vẫn tìm đến bạn đấy! Nếu có gió lùa có thể không lạnh nhưng làm khô da bạn!
Nếu có điều kiện, bạn có thể mua quần áo trekking chuyên dụng, có nhiều ở các Shop đồ phượt, theo set hay mua lẻ đều được.
Ở góc độ “sống ảo”, theo mình nên mặc trang phục có màu đủ tối để đỡ bị lấm lem. Nhưng cũng nên cải màu, đủ “rực rỡ” để lên ảnh cho đẹp! Không quá cầu kỳ nhưng vẫn phải nổi bật và chất!
Quần áo dự phòng: mang theo ít nhất 1 bộ dự phòng gồm có áo dài tay, quần dài đề phòng bị ngấm nước hoặc bị rách để có đồ thay thế. Như mình là lạnh quá thì bao nhiêu đồ mang theo quấn hết lên người cho ấm! Nhất là đêm ở trên núi!
Bắt buộc phải mang theo áo rét, loại 2-3 lớp. Mình là mang áo phao lông vũ vừa nhẹ vừa gọn. Với những bạn chịu lạnh kém thì nên mặc thêm quần tất khi nghỉ đêm. Bật mí là những miếng dán giữ nhiệt “nhỏ bé” sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn đấy!
Giày trekking: Các tiền bối đi trước khuyên “nên lựa chọn loại giày trekking chuyên dụng, có bán nhiều ở các Shop với mức giá khoảng từ 600-1200 k hoặc hơn nữa. Bởi đi rất chắc chân, không đau mũi chân khi xuống dốc, có khả năng chống nước ở cấp độ vừa phải.”
Hoặc bạn có thể chọn giày bộ đội, có bán ở các Shop Phượt hoặc khu vực Ga Hà Nội (dọc Lê Duẩn). Bạn nên sử dụng tất cao cổ và dày để bảo vệ gót chân khỏi đau rát do va chạm với giày khi trekking Fansipan.
Mình vốn không thích trekking, cũng không định leo núi gì khác sau khi chinh phục đỉnh Fansipan nên không định đầu tư giày quá nhiều. Mà mua giày bộ đội đến hôm đấy mới leo sợ giày mới đau chân nên cứ mang giày thể thao hằng ngày để đi.
Tuy nhiên cảnh cáo các bạn là leo núi cực kỳ “phá giày”. Bạn nào xót các “em xinh xinh” thì đừng để các em ấy ra giữa rừng già cũng đừng đi những “em màu sáng”! Mình phải thừa nhận, đôi lúc bước đi, nhất là mấy chỗ chênh vênh nhiều khi xót từng bước chân, sợ em ấy bị thương!
Anh porter bảo với mình, anh cứ 2,3 tháng lại được đi giày …mới, bởi giày hỏng triền miên, giày tốt cũng chỉ “thọ” hơn một chút! Nói chung nhớ chuẩn bị giày tốt kẻo phải thay “ngựa” giữa đường mà bạn cũng không có ngựa để thay đâu!
Balo:Bạn nên chọn loại balo có quai cài trước ngực để được trợ lực. Đây là loại ba lô mà các bạn Tây Balo hay dùng. Nhưng quan trọng hơn cả việc chọn ba lô là việc sắp xếp đồ khoa học và gọn gàng trong ba lô. Bạn tính toán theo thời gian, cái nào dùng sau cùng thì để dưới cùng, cái nào dùng trước để phía trên. Cái gì dùng nhiều nên để các ngăn phụ dễ lấy…
Một số đồ dùng trekking Fansipan thiết yếu khác
+ Mũ & khăn (nắng hay lạnh đều cần)
+ Đèn pin: bắt buộc khi trời tối ở điểm hạ trại và sáng đón bình minh.
+ Quần áo mưa: sẽ được tour chuẩn bị 1 bộ/người.
+ Dép nhựa để sử dụng tại điểm hạ trại (cân nhắc)
+ Găng tay leo núi: tour sẽ chuẩn bị cho bạn (2 đôi/ người)
+ Đồ y tế: thuốc đau đầu, đau bụng, ego, bông, băng…
+ Bật lửa, dao nhỏ, còi, dậy buộc, khăn ướt, túi bóng (đựng đồ bẩn ướt), đồ ăn vặt (như kẹo ngọt phòng sự cố tụt huyết áp hay chống …đói).
Nói chung Balo của bạn nên càng nhẹ càng tốt, nếu không bạn sẽ thật sự trở thành một con rùa vác nhà đi leo núi đấy!
Thời tiết, thời điểm lý tưởng để trekking Fansipan
Trước đấy, mình đọc trên mạng thấy thời điểm leo Fansipan thích hợp là từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, khi leo, anh Porter bảo khách đến leo núi quanh năm, mùa hè anh vẫn đưa khách đi bình thường. Mùa hè đỡ lạnh hơn, nhưng không phải là không lạnh. Bằng chứng là lần trước mình đi cáp treo lên Fansipan vào giữa tháng 6 mà trời mưa sương mù, lạnh co người chẳng khác gì mùa đông!
Thế nên trekking Fansipan lúc nào đẹp và phù hợp là tùy bạn sắp xếp thôi! Thời tiết rất quan trọng. Leo giữa đông mà trời nóng thì trưa vẫn nắng như mùa hè! Nếu bạn may mắn gặp thời tiết thuận lợi khi leo thì đó là “lộc trời” của bạn đấy! Mình thì chỉ được nhận lộc 50% thôi, chi tiết mình kể ở bài review phần 2 nhé!
Nghe các tiền bối nói, chinh phục đỉnh Fansipan đẹp nhất là vào tháng 3, khi hoa đỗ quyên khoe sắc. Mình đi cuối tháng 2, cũng đã may mắn chiêm ngưỡng một vài bông hoa đầu mùa hé nở!
…
Viết dài quá, hôm nay nghỉ tại đây vậy, chi tiết về chuyến đi mình sẽ kể tiếp trong các post sau nhé! Cảm ơn bạn đã quan tâm!
Đọc thêm:
Chinh phục đỉnh Fansipan: Review kinh nghiệm leo Fansipan chi tiết, cụ thể cho bạn gái (P2)
Chinh phục đỉnh Fansipan: Review kinh nghiệm leo Fansipan chi tiết, cụ thể cho bạn gái (P3)
Về Sa Pa – Thiên Đường gọi tên – mùa nước đổ (phần 1)
Về Sa Pa – Thiên Đường gọi tên – mùa nước đổ (phần 2)
Về Sa Pa – Thiên Đường gọi tên – mùa nước đổ (phần 3)
Về Sa Pa – Thiên Đường gọi tên – mùa nước đổ (Phiên bản tiếng Anh)
Trải nghiệm bay dù lượn Mù Cang Chải Yên Bái – Bay trên mùa Vàng
Phượt 3 ngày: Săn mây Tà Xùa – Mộc Châu mận ửng hồng
Du lịch một mình – CỰC VUI CỰC THÍCH nhưng luôn có những vấn đề!
Trải nghiệm đi xe bus 2 tầng thú vị thăm quan toàn thành phố Đài Bắc
Hướng dẫn săn vé tàu hỏa đỏ xuyên rừng nổi tiếng Alishan
Review và hướng dẫn chơi với những chú cừu ở nông trại Thanh Cảnh
Nhật ký hành trình 1 ngày du ngoạn tự túc Alishan
Khám phá công viên địa chất Giã Liễu, thăm “Nữ Hoàng” – Đài Loan
Nhật ký hành tranh du lịch hồ Nhật Nguyệt 2 ngày!
Kỷ niệm ngắm hoàng hôn ở đầm lầy Cao Mỹ và cái kết phũ phàng