Phượng Hoàng Cổ Trấn là địa điểm cuối cùng trong lịch trình kéo dài từ Vân Nam đến Hồ Nam gần 2 tuần của mình. Địa danh nức tiếng trong cộng đồng du lịch Việt Nam đến nỗi cứ ai đi Trung Quốc là mặc định để du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn!
Từ Trương Gia Giới đi Phượng Hoàng Cổ Trấn có hai cách phổ biến cho dân phượt. Thứ nhất là đi xe khách 80 tệ, thứ hai là đi tàu đến Cát Thủ 39 tệ rồi đi bus đến Phượng Hoàng 25 tệ. Mình chọn cách thứ 2 để tiết kiệm chi phí.
Vé tàu đã mua, đáng tiếc lại muộn chuyến. Mình nhờ khách sạn liên lạc với một số nhà xe xem có aiđi Phượng Hoàng Cổ Trấn tự túckhông, thì xin ghép xe. Họ gọi một số cuộc rồi báo lại là giá rất cao, tầm 600, 700 tệ/người, nên không đi được. Vé tàu đêm thì phải quay lại nhà ga mua vé, rồi vật vờ đêm hôm cũng quá tội. Đang mùa cao điểm, nếu đến nơi mà hết vé đẩy sang các chuyến muộn hơn cũng chết. Nên hai đứa quyết định đi xe bus, sáng 8 giờ ra bến xe mua vé.
Nhưng thực sự, đi rồi mới thấy, thời gian đi tàu với đi bus là gần như nhau, đi tàu rẻ hơn gần nửa, nếu không phải do hoàn cảnh, mình vẫn chọn đi tàu. Khách sạn thì họ thích mình đi xe bus hơn, mình cũng không hiểu vì sao?
Đáng lẽ giờ này mình đã ở Phượng Hoàng Cổ Trấn rồi, phòng đã book từ trước, “vỡ kế hoạch” biết làm sao đây?
…
Đúng lúc này, mình check mail, thì nhận được mail xin lỗi của khách sạn ở Phượng Hoàng xảy ra hỏa hoạn, xin hẹn dịp khác, nếu không mình có thể bị trừ tiền trong thẻ giá phòng ngày hôm đấy. Trong cái rủi có cái may, mình hồi âm cho họ là không cần lo lắng rồi book thêm phòng ở khách sạn Trương Gia Giới. Cũng may là còn phòng giờ chót, dù giá cao hơn ngày hôm trước.
…
8 giờ sáng, hai đứa có mặt ở bến xe. Nhưng chỉ còn vé chuyến sớm nhất 9 giờ 30 phút. Tình hình đúng là dân tình đổ đi du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn tự túc hết rồi!
Xe đi Phượng Hoàng quá ư là hoành tráng, xe to 2 tầng như xe từShangri La đi Côn Minh. Quãng đường 280 km, mình thật sự nghĩ không cần xe to đến thế, thảo nào vé đắt thế!
Trong lịch trình xe đi mất 4 giờ, nhưng thực ra là do nghỉ quá lâu – 30 phút, chắc đi xe cá nhân nhanh hơn nhiều! Sau chặng nghỉ, lý do xe hoành tráng cũng rõ, một chị phụ xe mặc đồng phục, cầm míc nói chuyện, giới thiệu về Phượng Hoàng Cổ Trấn, rồi giao lưu với du khách chuyện lấy chồng, lập gia đình thời hiện đại… Chị nói một tràng làm du khách choáng váng! Thành thật mình thấy chị nói hay và hài hước! Tuy nhiên sau đó, chị mang bánh kẹo, đặc sản ra mời khách ăn thử và bán!
Nói chung, Trung Quốc làm du lịch tốt thật, mình thấy người dân mua nhiều phết, có người mua cả thùng chuyển phát nhanh về nhà luôn!
…
Phượng Hoàng Cổ Trấn (凤凰古城 / Fenghuang Gucheng) nằm tại huyện Phượng Hoàng, Châu tự trị người Thổ Gia, người Miêu Tương Tây ở phía tây tỉnh Hồ Nam (Hunan), Trung Quốc. Cổ Trấn nằm cách Cát Thủ (吉首 / Jishou) khoảng 53 km, cách Hoài Hóa khoảng 92 km.
Phượng Hoàng Cổ Trấn được bảo tồn rất tốt cả về giá trị lịch sử và văn hóa.
Phượng Hoàng Cổ Trấn nằm bên dòng sông Đà Giang với những con ngõ nhỏ, những ngôi nhà cổ kính và rất nhiều cây cầu độc đáo bắc qua sông. Mùa cao điểm du lịch ở đây từ khoảng tháng 5 tới tháng 11 hàng năm.
…
Xe vào đến bến khi mặt trời đã ở giữa đỉnh đầu. Bãi xe nằm trên đồi cao chênh vênh, hai đứa kéo va li xuống dưới mồ hôi nhễ nhại.
Taxi ngày lễ khó bắt, hai đứa mãi mới tìm được xe. Giá: 20 tệ vào phố cổ, mình thấy review thường chỉ có 15 tệ.
…
Theo dự tính, mình định tìm đến khách sạn đã book phòng trước nhưng bị hủy, nhờ giữ hành lý rồi hai đứa đi chơi. Không còn một ngày ở Phượng Hoàng bung lụa như kế hoạch, giờ chỉ còn 1 buổi thong dong ở đây, nên thuê khách sạn đến 6 giờ tối là không cần thiết.
Taxi đưa xe đến mép phố cổ vì đây là phố đi bộ. Bật Baidu lên, hai chị em kéo vali xuyên phố cổ tìm khách sạn đến nhũn người. Đến lúc này mới thấm thía sai lầm khi book phòng trong trung tâm phố cổ – phố đi bộ. Xe không thể vào tận nơi và cực khó tìm khách sạn. Lợi thế khi ở trung tâm là bạn có thể có phòng view đẹp, như ở đây là view sông huyền ảo. Hoặc nếu hành lý nhẹ nhàng, bạn không quá vất vả để di chuyển. Ở Phượng Hoàng Cổ Trấn, mình thấy hoàn toàn có thể book phòng ven phố cổ, rồi đi bộ vào chơi sau. Nếu muốn ngắm view có rất nhiều quán cafe để bạn lựa chọn!
Đường trong cổ trấn nhỏ, lát gạch gồ ghề nên kéo vali rất mất sức. Trên đường đi vào, mình gặp những người đi ra cũng vất vả không kém.
Theo Baidu, mình đã đến rất gần khách sạn mà cũng không tìm được. Hỏi ba bốn người dân xung quanh mà không ai biết! Thất vọng, hai đứa tìm khách sạn khác, cố làm một chuyện không tưởng là gửi-hành-lý-không-mất-phí.
Bọn mình đi ngược ra để tìm khách sạn, giảm khoảng cách chiều về. Có rất nhiều khách sạn ở đây nhưng phần lớn đều không thể giao tiếp tiếng anh. Mình đã rất khó khăn để trình bày với người chủ vấn đề của mình, vì mấy từ tiếng Trung trong hoàn cảnh này mình không biết – Người lạ ơi, cháu ở thể gửi hành ký miễn phí ở đây không ạ?
…
Sau 4,5 khách sạn thất bại, hai đứa gặp một anh chủ quán rất thân thiện. Anh bảo nếu thuê phòng thì gửi đồ miễn phí! Mình xin phép anh gửi đồ đến 6 giờ chiều rồi phải đi luôn liệu có được không? Bất ngờ, anh gật đầu cái rup làm chị em hoang mang. Vì anh không nói được tiếng Anh, mình sợ mình nói gì làm anh hiểu nhầm?
Anh hỏi bọn mình đến từ đâu, thấy bọn mình là người Việt. Anh gọi cho một người bạn biết tiếng Việt. Nhưng tiếc là trình độ tiếng Việt của anh bạn ấy thấp hơn level tiếng Trung của mình nên không thể hiểu nhau. Anh chủ khách sạn gọi tiếp điện thoại cho một người bạn, một chị gái người Việt đang học tại Trung Quốc. May quá là chị nhấc máy ngay! Nhờ chị mà mong muốn của mình đã được rõ ràng với anh ấy.
Vậy là hai thanh niên được gửi đồ chỗ anh MIỄN PHÍ và yên tâm đi chơi.
Cảm ơn anh rất rất nhiều, không những thế anh còn nhiệt tình hướng dẫn mình như một vị khách trả tiền và hướng dẫn đường đi thăm quan.
Khách sạn của anh vô cùng rộng, sang trọng và đẹp lộng lẫy. Nằm ở vị trí ven sông, chắc các tầng cao cũng có phòng view sông hay view phố cổ. Đây là biển hiệu khách sạn của anh và anh, cảm ơn anh một lần nữa và cảm ơn những người bạn Việt Nam của anh!
…
Việc đầu tiên của hai đứa là làm gì thì làm, phải ăn trưa trước đã. Vì tiền mặt cạn rồi nên bọn mình muốn tìm quán ăn/hệ thống cửa hàng nước ngoài để được thanh toán bằng thẻ. Anh chủ khách sạn chỉ cho quán gà KFC trên bản đồ chỉ cách đấy vài trăm mét.
Qua cầu Hồng Kiều, có một quầy bán vé tập trung rất đông người. Theo anh chỉ thì KFC ở gần đây nhưng hai đứa tìm không thấy.Mình hỏi những người dân quanh đấy mà không ai biết. Nghĩ là các bạn trẻ có thể nói tiếng Anh và sành sỏi hơn, mình hỏi một thanh niên U18. Bạn ấy lắc đầu bảo chưa nghe thấy bao giờ và cũng không thể nói tiếng Anh.
Tuy nhiên, ngay sau đó, hai đứa bị cuốn vào vẻ đẹp nơi đây, ngắm nghía, chụp ảnh loanh quanh quên cả tìm quán ăn. Khoảng 5,10 phút sau, mình và em gái đang lơ ngơ thì bạn U18 chạy đến bảo tìm bọn mình nãy giờ, bạn ấy search thấy KFC trên Baidu và sẽ dẫn mình đến KFC ngay. Lúc đấy là 12 giờ trưa!
Gặp thêm một người tốt nữa ở Phượng Hoàng! Chuyến đi này, dù có nhiều tiếc nuối, nhưng may mắn gặp những người bạn thế này thì còn gì hơn được chứ?
Tiếc là KFC không chấp nhận thanh toán thẻ nên hai đứa quay lại ăn đặc sản Phượng Hoàng Cổ Trấn!
…
Loanh quanh phố cổ, hai đứa gọi mỳ truyền thống. Các quán mỳ ở đây khá nhiều, cứ tầm 15, 20 tệ một bát, mình cứ thấy quán nào đông thì vào. Hai đứa cứ nhìn ảnh menu mà chọn bừa.
Nhìn thì ngon nhưng một là cay xé lưỡi, hai là hương vị không phù hợp nên hai đứa cố ăn hết chứ chẳng thấy no gì!
Tiếp tục trải nghiệm ẩm thực nơi đây với một loại quả màu vàng cực bắt mắt, có gai nhọn, nhỏ bằng nắm tay. Tò mò, hai đứa mua thử. Nhìn ngoài thì tưởng họ nhà dứa nhưng ruột có nhiều tép, nhầy như chanh leo, trông rất “kích thích” nhưng vị cực kỳ tệ!
Ở đây có đặc sản cá sông, tôm, cua.. có lẽ từ sông Đà Giang nên nhiều quán lẩu mọc lên ở khắp nơi.
Đặc sản sữa chua nước có mặt ở khắp các cửa hàng tiện lợi, giải khát. Đến mỗi địa điểm du lịch, bọn mình đều mua một chai.
Hai đứa cũng thử mía tươi ở đây, nói chung là nhiều nước nhưng không ngọt bằng mía quê ta.
…
Vừa khám phá ẩm thực, hai đứa đi bộ dọc bờ sông. Phượng Hoàng Cổ Trấn có hai con đường ven sông duyên dáng để du khách thưởng ngoạn.
Trời đang nắng là thế mà ra đến bờ sông râm mát diệu kỳ. Nhìn sang bờ bên kia có một khu khách sạn/quán cafe, ban công ngập tràn những chiếc ghế treo đu đưa dễ thương, view sông đẹp tuyệt trần.
Các bác, các chú kiên nhẫn ngồi câu cá ven sông.
Đi dọc bờ sông qua mấy cây cầu. Cây cầu nào cũng mang những nét riêng, đậm bản sắc truyền thống.
Các bà vừa tỷ mẩn làm vừa bán các sản phẩm thủ công như vòng đeo tay, khăn thêu, đội đầu…
…
Mình nghe loáng thoáng thấy tiếng Việt ở Phượng Hoàng Cổ Trấn. Phải nói là khách Việt mình đợt này đi rất đông. Nhưng người nước ngoài theo quan sát của mình là khá ít…
Đứng ở giữa Phượng Hoàng Cổ Trấn mới thấy thấm thía vẻ đẹp 360 độ không góc chết truyền kỳ trên mạng xã hội. Cứ giơ máy lên là chụp, tha thẩn mãi không chán.
…
Chuyến đi này, bọn mình đến nhiều phố cổ, trong đó Lệ Giang và Phượng Hoàng đều được nhận mỹ từ “đệ nhất cổ trấn”. Nói về danh tiếng, Lệ Giang nổi tiếng hơn. Nhưng gần đây ở Việt Nam, Phượng Hoàng Cổ Trấn tạo nên cơn sốt đặc biệt. Trước khi đi thì mình thích Lệ Giang hơn. Nhưng đi rồi thì bản thân mình thích tông màu đỏ đen cổ kính của Phượng Hoàng hơn. Sắc màu chủ đạo của Lệ Giang là xanh, trắng, xám, hài hòa, nhã nhặn. Còn Phượng Hoàng mang cảm xúc yên bình, mờ ảo, lên ảnh rất … chất, nên các pô ảnh mới gây ấn tượng đến thế.
…
Chiều tối, phố đi bộ mở rộng nên hai đứa phải hì hục kéo vali thêm 2 km nữa. Đúng là nhiều lúc muốn quẳng vali đi cho xong, nên bạn thật sự cân nhắc mang vừa đủ thôi nhé.
Phố đông đúc, đường tắc chặt, khó bắt taxi. Phải đi bộ thêm một đoạn hai đứa mới tìm được xe.
Bọn mình lên xe bus chuyến cuối cùng trong ngày đi Cát Thủ. Hai đứa hối hả vừa kịp xe, giá vé 25 tệ/người. Nếu còn muộn chuyến này không biết sẽ ra sao nữa.
…
Trên xe mình gặp một bạn gái cũng về thăm nhà ở Cát Thủ, bạn nhiệt tình dẫn bọn mình ra ga tàu rồi mới chào tạm biệt. Xe đi từ Phượng Hoàng xuống ở điểm cuối cùng, rồi đi bộ ngược lại khoảng 200 m là nhà ga.
Lần đầu tiên, hai đứa mua vé tàu trước dùng được, chờ tàu cả tiếng đồng hồ thì tàu về muộn 15 phút! Đấy cũng là lần duy nhất tàu chạy sai giờ ở Trung Quốc.
(Còn nữa…)
Đọc thêm:
Tổng hợp Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc
Các câu hỏi thường gặp về thẻ Sinh viên Quốc tế ISIC
Hành trình 9 ngày: Lệ Giang – Shangri La – Tu viện Songzanlin – Hồ Napa: chuyện giờ mới kể
Lợi ích và hướng dẫn làm Thẻ sinh viên quốc tế ISIC du lịch khắp thế giới
Thủ tục xin Visa du lịch Trung Quốc cho người làm lần đầu
Chia sẻ kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể 1 ngày ngắm bướm bay dành cho bạn gái
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Huyền thoại Tây Lương Nữ Quốc – Hồ Lugu (Phần 7)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Tìm đường tới Trương Gia Giới (Phần 9)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Vườn Quốc Gia Trương Gia Giới (Phần 10)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Du lịch Trương Gia Giới (Phần 11)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Sừng sững Thiên Môn Sơn (Phần 12)
Nhật ký hành trình Trung Quốc (Vân Nam – Hồ Nam) – Dừng chân tại Thành phố Nam Ninh (Phần cuối)
Những điểm đến “must do” ở đảo ngọc Phú Quốc
Hướng dẫn tự đi du lịch Bạch Thủy Đài (Shangri La, Vân Nam)
Kinh nghiệm đi du lịch Thượng Hải tự túc: Tô Châu – Hàng Châu – Hoành Điếm
Kinh nghiệm du lịch rừng đá Thạch Lâm tự túc (Côn Minh, Vân Nam)
Bí kíp, kinh nghiệm xin Visa du lịch Châu Âu – Schengen tự túc
Saved as a favorite, I really like your site!