Trước khi đến Hoành Điếm, fan girl như mình cứ tưởng có thể gặp rất nhiều người nổi tiếng, các đoàn làm phim, hóng hớt tý chuyện thị phi (dù không hiểu gì) nhưng thực chất mình không thấy gương mặt thân quen nào cả. Xung quanh cũng toàn khách du lịch như mình mà thôi!

Phim trường Hoành Điếm / Hengdian World Studios/ 横店/ Hengdian rộng 330 hecta tọa lạc ở trấn Hoành Điếm, thị xã Đông Dương, tỉnh Chiết Giang. Hoành Điếm là địa điểm du lịch cực hấp dẫn được mọt phim từ khắp nơi trên thế giới đến thăm quan cái nôi của điện ảnh. Hàng năm sản xuất hàng trăm các phim điện ảnh, truyền hình cổ trang của Trung Quốc như Vô Cực của Trần Khải Ca, Hoàng Kim Giáp của Trương Nghệ Mưu… rồi Cung Tỏa Tâm Ngọc, Mỹ Nhân Tâm Kế, Võ Mị Nương … Năm 2018 nổi nhất là Diên Hy Công Lược , năm 2019 hot nhất là Trần Tình Lệnh

Thật ra lúc viết mấy dòng này, mình đang tiếc là lúc đi Hoành Điếm chưa kịp xem Trần Tình Lệnh để đến thăm khu vực trường quay phim. Hic! 😥

Hoành Điếm cách Thượng Hải 380 km, cách Hàng Châu, Ôn Châu 180 km, cách thành phố Đông Dương 18 km, Nghĩa Ô 36 km. Có nhiều cách để đi từ Thượng Hải đến Hoành Điếm. Mình xuất phát ở Hàng Châu nên đi tàu cao tốc đến Nghĩa Ô rồi đi xe khách đến Hoành Điếm. Cách này đi hơi lâu nhưng du lịch tự túc tiết kiệm, nếu bạn đi đoàn đông có thể gọi taxi sẽ chủ động thời gian hơn.

du lịch phim trường hoành điếm
Một gocsphim trường Hoành Điếm

Hồ Tiểu Giang vốn là mọt phim nên giấc mơ đến Hoành Điếm luôn là một trải nghiệm lớn lao. Bạn thấy đấy, cái tên nặng mùi “phim ảnh” đã thể hiện phần nào. Theo lịch trình mình có 2 ngày ở Hoành Điếm, nên chỉ có thể thăm quan tối đa 3 trường quay chính và lớn nhất. Hoành Điếm có nhiều trường quay để phục vụ cho các bối cảnh khác nhau.

Kinh nghiệm du lịch Thượng Hải tự túc
Tử Cẩm Thành – Mô hình 1:1 tại Hoành Điếm

Phim trường Hoành Điếm có nhiều trường quay như Cung điện nhà Minh + Thanh, nhà Tần, phố Hồng Kông + Quảng Châu, công viên ngoài trời, nhiều trò chơi cảm giác mạnh như Thung lũng Fantasy, Chùa Phật giáo Dazhi, Nhà dân gian Minh Thanh…


Số mình chắc không hợp đi tàu ở Trung Quốc, suốt ngày muộn giờ. Vé tàu mình mua trên trước khoảng 3 tuần. Mình có cái tật ham chơi, sợ chờ đợi nên đặt chuyến sớm tầm 7 giờ sáng để đến Hoành Điếm, có thêm thời gian, chơi được nhiều hơn. Ai ngờ, dù đã đặt báo thức và tự nhắc nhở bản thân “nghiêm khắc” từ hôm trước mà sáng hôm đấy, giờ tàu chạy cũng là giờ mình tỉnh giấc! Ngơ ngác kiểm tra rồi đành chấp nhận sự thật là …nhỡ tàu. 🙂

Nhanh chóng sắp xếp hành lý, check out ra bến tàu, mình bàng hoàng khi nhận ra ga Hàng Châu quá to. Kéo va li từ giữa ga ra một trong hai đầu ga cảm thấy như cả cây số. Ga gì mà tầng tầng lớp lớp to hơn cái sân vận động! To thì đã sao, vấn đề ở đây là: Bình thường quen đi ga Trung Quốc, mình là người nước ngoài sẽ phải đến quầy vé có người bán gọi là “Ticket Office”. Còn người Trung Quốc có thể mua vé tự động tại máy bán vé gọi là “Automatic Ticket Office”. Nên đến ga tàu, cứ tìm Ticket Office là đến được quầy bán vé/đổi vé online. Ở các ga Trung Quốc hiện giờ, máy bán vé tự động nhan nhản, còn quầy vé người bán thường chỉ tập trung tại một đến hai khu vực mà thôi.

du lịch phim trường hoành điếm
Xếp hàng lấy/mua vé tàu ở Trung Quốc

Tại Ga Hàng Châu, thấy “Ticket Office” là mình đi theo chỉ dẫn, lên thang lại xuống thang, mà cuối cùng mới biết là …máy bán vé tự động. May là có nhân viên hỗ trợ, dù không biết tiếng Anh. Thế là mình lại đi bộ từ đầu ga này xuyên về đầu bên kia… Oh my god, lang thang đến 45 phút… chưa kể tâm trạng hoang mang tột độ. Thực ra mình cũng đen, nếu đi về hướng ngược lại ngay từ đầu thì trúng luôn, vì có biển “Ticket Office” cả ở hai. Nhưng cũng nhờ thế mà mình biết được tình huống này để cảnh báo với các bạn.

Đến nơi, lại xếp hàng đổi vé online rồi lại xếp hàng …khác để đổi giờ. Nói chung là tự tha thứ cho mình, vì nếu mình đến đúng giờ như kế hoạch có lẽ cũng bị muộn chuyến vì xếp hàng và tìm đường mà thôi! 🙂

Kinh nghiệm du lịch Thượng Hải tự túc
Cung điện nhà Tần, phim trường Hoành Điếm

Bạn lưu ý là quầy vé có chục buồng bán vé, được đánh số. Có quầy đổi vé online cho khách nước ngoài đặt qua hay Trip.com, nhưng lại hiếm thấy biển chỉ dẫn “For Foreigner”, nên thực tế, du khách không biết đường nào mà xếp hàng. Nhiều ga có biển chỉ dẫn “For Foreigner”, nhưng người Trung Quốc vẫn xếp hàng dài dằng dặc như thường nên chỉ đỡ hơn khoản hỏi cửa nào thôi! Nhưng nếu sai giờ như mình, và muốn đổi giờ khác, bạn phải xếp hàng lần nữa. Còn đổi ở quầy nào bạn hỏi nhân viên để họ chỉ số cho.

Tàu hết chỗ nên mình phải đổi vé sang tàu chậm, vì tàu cao tốc đến chiều mới có chuyến. Tuy nhiên vé tàu cao tốc không thể đổi sang tàu chậm nên mình phải bỏ vé, mua vé khác, giá 50 tệ. Từ Hàng Châu đến Nghĩa Ô đi cao tốc chỉ 30 phút, tàu chậm là khoảng 1 giờ 20 phút.

Đổi vé xong thì tìm ga xuất phát. Thời gian còn nhiều nên mình đi tìm đồ ăn.

Tàu đến Hoành Điếm đã trưa rồi, dự tính về Thành phố rồi ăn sau. Thế mà ở ga có quán cơm bình dân nóng hổi, mình không kiềm chế được, nhớ cơm trắng quê nhà nên lại sà vào. Thế nên sau đó đã ân hận vô cùng vì đồ ăn ít, đắt, lại nhiều dầu mỡ và không ngon.

Theo hướng dẫn trên mạng từ trước, mình tìm đường ra bến xe bus và xe số K805. Tuy nhiên, nhân viên bến xe hỏi mình đi đâu, mình bảo đi Hoành Điếm lại bảo không phải xe K805. Mình không tin, kéo hành lý đến tận xe K805 hỏi bác tài, bác ấy cũng lắc đầu. What? 😛

Chú nhân viên gọi mình lại, bảo đi ra phía sau kia kìa, rồi chỉ tay về phía sau bến xe. Chẳng có gì, bức tường chắn hết tầm mắt và cái biển hiệu không rõ ràng… Lúc này, có duy nhất mình là hành khách trong bến, mình kéo hành lý, tuyệt vọng đứng chờ ai đi qua để hỏi.

May quá là chưa đầy 5 phút sau đã có nhóm hành khách đi qua, chắc vừa xuống tàu xong. Nếu mình không ăn mà đi ngay theo những hành khách khác chắc đã đi từ lâu rồi!

Nhưng họ đều trung tuổi và không biết tiếng Anh nên không ai giúp được. Phút cuối, có hai bạn gái đi qua, cực kỳ xinh đẹp nhiệt tình giúp đỡ.

Các bạn ấy bảo mình đi theo hai bạn, rồi thậm chí mua vé luôn giúp mình. Hai bạn không thể nói tiếng anh nên dùng app dịch rồi đưa lại cho mình.

du lịch phim trường hoành điếm
Vé xe đi từ Nghĩa Ô đi Hoành Điếm

Vé in không có giờ xe chạy (bạn nhìn trên ảnh) cứ như đùa, tưởng hai bạn không hiểu mình cần đi ngay, mình cứ hỏi đi hỏi lại, là xe bao giờ chạy mà hai bạn không hiểu. (Không hiểu tại sao cái app không dịch nổi?) Sợ mình lo lắng, hai bạn trấn an, cứ đi theo hai đứa là được. Thôi thì, không còn chuyến sớm hơn, thì đành đi chuyến này vậy chứ biết sao…

May thật may, có lẽ đó là chuyến sớm nhất thật, vì chưa đầy 10 phút sau, mình được lên xe rồi! 🙂

Lên xe rồi, các bạn nhiệt tình dùng app hỏi mình đi đâu, bao ngày, và còn bảo, trường đại học các bạn ấy gần phim trường, để các bạn ấy về trường cất hành lý rồi đưa mình về khách sạn… Mình bảo không cần đâu, mình đi taxi được rồi… Thề với các bạn là một bạn gái xinh lắm ý, mình nghĩ có khi bạn ý đang “khởi nghiệp” với những vai nhỏ trong phim, biết đâu lại là một ngôi sao sau này!

Bus đi Hoành Điếm vé 50 tệ, đi mất khoảng 1 giờ 20 phút. Đây là xe vừa và không đẹp lắm.

Xuống bến xe là có quầy bán vé thăm quan phim trường Hoành Điếm. Mình có hỏi và thấy kỳ lạ là cao hơn ở nhà mình tìm hiểu nên không mua.

du lịch phim trường hoành điếm
Bến xe Hoành Điếm vắng vẻ

Bến xe vắng tanh, không thấy hành khách, xe bus cũng như taxi. Hai bạn gái deal hộ mình một bác lái xe cá nhân, chiếc xe duy nhất đang đỗ chờ khách. Bác nhìn địa chỉ, bảo 30 tệ, hai bạn gái giúp mình mặc cả 20 tệ mà không được, không còn sự lựa chọn nào khác, mình ok giá 25 tệ.

Chia tay hai người bạn đáng yêu ở Hoành Điếm. 🙂

Taxi về thành phố mất tầm 20 phút, nhưng địa chỉ khó tìm, mình phải nhờ bác tài xế gọi điện cho khách sạn ra đón mới biết đường mà vào.

Khách sạn mình book là Moke Hostel cách Khu nhà dân gia Minh Thanh 20m. Vị trí rất đẹp nếu bạn đã …biết đường, gần bến xe bus, giữa trung tâm phim trường và phố phường. Đi bộ 15 phút là đến phố đi bộ. Giá phòng rẻ nhất mình tìm được trên Booking.com là 49 tệ, với phòng dorm 6 người. Phòng sạch sẽ, đầy đủ thiết bị, xinh xắn. Anh chủ chỉ ngoài 30 tuổi, rất nhiệt tình, tốt bụng, chi tiết mình sẽ kể sau nhé! Điểm trừ là khách sạn khó tìm. Nhược điểm tiếp theo là anh không thể giao tiếp tiếng Anh!

Phòng 6 người nhưng chỉ có 3 khách, ngoài mình ra còn có 2 bạn nữ người Trung Quốc nữa. Tối hôm đó, ba đứa mình cùng nhau đi chơi rất vui! 🙂

Về khách sạn, mình cất đồ rồi đi chơi luôn. Biết mình muốn ra phim trường, anh chủ khách sạn dẫn mình ra tận bến xe bus và cổng phim trường Nhà dân gian Minh Thanh để mua vé.

Trước khi đi 3 tuần, mình đã check giá vé từ trước, dự định mua combo 3 phim trường Cung điện nhà Minh + Thanh, nhà Tần và phố Hồng Kông + Quảng Châu – Giá vé 2 ngày khoảng >500 tệ, mua trước 1 ngày còn 450 tệ. Nhưng có vẻ lúc mình đi giá vé mới tăng, đó là lý do, vì sao ở bến xe giá vé lại khác như vậy, mua trước 1 ngày cũng không được giảm giá nữa. Bảng giá vé bạn có thể xem hình mình chụp dưới đây (update 11/2019).

du lịch phim trường hoành điếm
Bảng giá vé các trường quay ở Hoành Điếm

Anh chủ khách sạn bảo nếu mua online có thể rẻ hơn một chút (giảm 15%), nên mình nhờ anh check hộ. Lúc đấy đã 3 rưỡi chiều và đã hết vé online của ngày hôm đấy nên không thể mua. Mình có vài lựa chọn sau: Nếu đi 3 phim trường theo bảng niêm yết mình sẽ mất tệ. Mua combo không có đúng loại mình thích, giá 550 tệ – cao hơn, và hơi lãng phí, vì mình không đi chơi công viên. Nên mình quyết định mua lẻ. Về sau tổng tiền mình hết có 408 tệ, còn rẻ hơn giá cũ. 😉

Vé thăm quan có giá từng khu vực, có vé combo 1 ngày, 2 ngày hay 3 ngày. Vé ngày cuối tuần, lễ tết cao hơn một chút. Hôm đấy là chủ nhật. Thời gian cũng chỉ còn kịp đi một phim trường, mà vé phim trường phố Hồng Kông + Quảng Châu rẻ nhất – 120 tệ nên mình chọn đi phim trường này. Để 2 phim trường còn lại mai đi, giá ngày thường rẻ hơn, lại đặt trước sẽ càng được giá hấp dẫn. 🙂

Anh chủ khách sạn dẫn mình ra bến xe bus, chỉ cho mình xe bus nào nên đi rồi đợi cùng mình. Mình bảo anh về trước mà anh vẫn nhiệt tình đợi cùng, còn cẩn thận nhắc mình nhớ đi qua 2 chặng là xuống nhé!

du lịch phim trường hoành điếm
Mình chụp ảnh bến xe bus để đi đâu cũng đưa ra hỏi cho tiện, tránh lạc

Chỉ có 2 tuyến xe bus ở Hoành Điếm là 1A và 1B, chạy tầm từ 8h đến 17h (có thay đổi/update) với giá chỉ 1 tệ, bạn nhớ chuẩn bị tiền xu nhé! Hai tuyến xe bus này có gì khác biệt, mình không biết, không hiểu sao lại đặt tên như vậy. Nhưng ít nhất ở điểm phim trường Hoàng cung Minh Thanh và phố Hồng Kông + Quảng Châu thì một xe chiều đi, một xe chiều về. Bạn cần ghi nhớ đúng xe để về nhé!

Xe đi 2 chặng nhưng chặng dài nên mất khoảng 10-15 phút. Xe bus đẹp, mới nhưng vắng người.

Phim trường Hoàng cung Minh – Thanh nằm cạnh khu phố Hồng Kông và Quảng Châu, nếu được, bạn nên đến đây đi một lèo luôn. Nhưng vì lý do tiền nong phía trên mình đã tách đi 2 lần.

Mình xuống xe, ngơ ngác vì không có biển báo. Còn chưa thấy cửa vào thì gặp hai bạn gái, lại là hai cô gái xinh đẹp, người Thượng Hải cũng vừa xuống xe. Mình hỏi chuyện và đi cùng hai bạn một đoạn. Hai bạn là chị em gái cùng đi du lịch và đây là chuyến đi đầu tiên của hai người. Người chị làm ở công ty nước ngoài nên nói tiếng Anh khá tốt.

Ở Hoành Điếm đúng là diệu kỳ, mình toàn gặp bộ đôi hai cô gái xinh đẹp và dễ mến thôi!

Mình mua vé tại quầy. Khác với vé in đẹp lung linh, vé ở đây chỉ là hóa đơn viết tay mờ nhạt. Bạn gái Thượng Hải bảo, bạn đã mua vé trước qua mạng, Taobao rẻ hơn hẳn.

du lịch phim trường hoành điếm
Vé vào phim trường Hồng Kông + Quảng Châu của mình


Phim trường khu phố Hồng Kông và Quảng Châu được xây dựng vào tháng 8 năm 1996 để quay bộ phim bom tấn lịch sử “ Chiến tranh thuốc phiện “. Phim trường tái tạo kiến trúc như thực tế một cách sinh động không gian Quảng Châu và Hồng Kông vào khoảng những năm 1840. Hơn 100 bộ phim và phim truyền hình như Hoắc Nguyên Giáp, Kim Lăng Thập Tam Hoa 2011 (Trương Nghệ Mưu), Yên Chi(Lục Nghị, Triệu Lệ Dĩnh)… đã được quay ở đây.

Phim trường mô phỏng những công trình quen thuộc như Đường Queen, Dinh thự Thống đốc Hồng Kông, Ngân hàng HSBC… 30 tòa nhà theo phong cách châu u tạo thành “Thành phố Victoria” của thế kỷ 19.

Ngoài ra, phim trường có các chương trình biểu diễn nghệ thuật như Furious Sea, Hoàng Phi Hồng… để phục vụ du khách. Tiếc là mình đến muộn nên không được xem show diễn nào… Tiếc hơn nữa, là không gặp đoàn làm phim nào, huhu… Đến mức mình nghi ngờ thật sự nơi đây là studio chụp ảnh cưới hay thật sự để quay phim?

du lịch phim trường hoành điếm
Công viên trong trường quay được các cặp đôi yêu thích chụp ảnh cưới

Khu phố Hồng Kông được sử dụng để quay các bộ phim lấy bối cảnh dân quốc và Hồng Kông. Bởi vậy nên màu sắc và không gian nhuốm màu thời gian, cổ kính. Bạn tha hồ chụp ảnh ở đây bởi góc nào cũng đẹp. Có lẽ bởi thế, nên có rất nhiều cặp đôi chọn nơi đây chụp ảnh cưới.

Trong phim trường có nhà hàng, quán xá bán nước uống, đồ ăn vặt, ăn trưa cho du khách.

Thậm chí một số không gian còn để sẵn trên bàn một tờ Financial Times tiếng anh ngả vàng nâu cực deep để du khách sống ảo.

du lịch phim trường hoành điếm
Khu phố Hồng Kông sống động nhuộm màu thời gian

Bạn có thể thuê xe đạp 2,3 người để đi thăm quan toàn cảnh phim trường.

Thời tiết hôm đấy rất đẹp, muộn nhưng nắng ấm ngập tràn, cảnh sắc vô cùng ấn tượng. 🙂

Không gian vang lên giai điệu các bài hát kinh điển tiếng Quảng Đông, dắt du khách quay ngược thời gian về thế kỷ trước.

du lịch phim trường hoành điếm
Trường quay Hồng Kông có nhiều tiểu cảnh thú vị để bạn chụp ảnh

Thời gian bạn chơi ở đây thoải mái khoảng 2 giờ.

Xe bus tầm 5 giờ là chuyến cuối, mình đã định về nhưng phố chợt lên đèn, lung linh huyền ảo nên mình ở lại chơi thêm chục phút. Trời trở lạnh…

du lịch phim trường hoành điếm
Phố lên đèn huyền ảo

Tuy nhiên, mình đã phải trả giá đắt vì điều này. Hic! 😥


Ra khỏi phim trường khi trời đã tối hẳn, xung quanh không có nhà dân hay đèn đường, mình đi bộ thẳng ra bến xe bus. Ngoan ngoãn ngồi đợi 5, 10, rồi 15 phút… ánh sáng yếu ớt duy nhất trong không gian là từ những chiếc xe đi lại 2 chiều. Đường vắng. Trời lạnh. Tối bất tận. Bến xe không có ai.

Có chút lo lắng là đã nhỡ chuyến xe bus cuối cùng. 5 giờ 30 phút, có lẽ phải làm gì đó để thay đổi. Mình đứng dậy, đi vòng ra vòng vào, ngó lên ngó xuống, không có gì thay đổi.

Taxi cũng không có, ở đây người ta toàn chạy xe riêng. Không cài được app Di Di mà cũng không thể sử dụng nên không thể gọi xe.

Chẳng lẽ thật sự không có cách nào để về? 😥

Nghĩ là làm, mình đi bộ khoảng 100m ra khu vực nhà dân gần nhất hi vọng có thể nhờ họ gọi hộ taxi. Đây là dãy nhà – hàng quán phục vụ du lịch – là nguồn sáng rực rỡ nhất trong tầm mắt. Nhưng có lẽ vì không có đoàn làm phim nào làm việc nên các nhà hàng vắng tanh. Nhân viên ngẩn ngơ ngồi nghịch điện thoại.

Mình đi qua một lượt nhà hàng, cố tìm nhà dân, văn phòng hay khách sạn gì đó để hỏi. Cuối cùng mình tìm thấy một văn phòng nhìn giống khách sạn, nhưng về sau, mình thấy giống một văn phòng chuyển phát nhanh hơn vì bưu phẩm để hết một góc. May quá có 3 nhân viên vẫn ngồi trực, nhưng họ lại không thể nói tiếng Anh. Mình dốc toàn bộ vốn liếng Tiếng Trung để nhờ họ gọi hộ taxi về nhà. Sau một hồi giải thích họ đã hiểu và nhấc điện thoại gọi hộ mình 2,3 cuộc.

Họ cúp máy và giải thích là không có taxi, kể cả xe bình thường cũng không có. Mình nhờ hỏi, bất cứ ai đi vào thành phố cho mình đi nhờ cũng được, mình sẽ trả tiền, họ gọi vài cuộc rồi cũng bảo không.

6 giờ tối, mình đã làm gì để bị rơi vào tình cảnh này? Lúc đi xe bus mình để ý đường khá vòng vèo, nhiều công trình xây dựng, ít đèn đường nên đi bộ không khả thi. Google map có “tiền sử” chỉ sai đường ở Trung Quốc? Người dân không nói tiếng Anh? Làm sao mình về được bây giờ? 🙂

Bất lực, mình nhìn ra ngoài đường vắng vẻ…

Còn tiếp…

Đọc thêm:

Một vòng Tử Cấm Thành Hoành Điếm Minh Thanh – Phim trường “cung đấu” hoành tráng nhất

Kinh nghiệm du lịch Ai Cập tự túc dành cho chị em (Phần 1)

Kinh nghiệm du lịch Ai Cập tự túc dành cho chị em (Phần 2)

Kim nghiệm du lịch Koh Rong – Thiên đường nhiệt đới với nhiều trải nghiệm khó quên! (P2)

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể 1 ngày ngắm bướm bay dành cho bạn gái

Hướng dẫn thăm quan Rừng đá Thạch Lâm từ Côn Minh

Nhật ký hành trình Trung Quốc (Vân Nam – Hồ Nam) – Lung linh Phượng Hoàng Cổ Trấn (Phần 13)

Nhật ký hành trình Trung Quốc (Vân Nam – Hồ Nam) – Sừng sững Thiên Môn Sơn (Phần 12)

Nhật ký hành trình Trung Quốc (Vân Nam – Hồ Nam) – Vườn quốc gia Trương Gia Giới (Phần 10)

Nhật ký hành trình Trung Quốc (Vân Nam – Hồ Nam) – Phượt Lệ Giang, Đại Nghiên Cổ Trấn (Phần 5)

Review tour ngắm cá heo Đài Loan dành cho bạn gái – Kỷ niệm ấn tượng ở Hoa Liên

Review kinh nghiệm leo Fansipan (Sapa) – không gì là không thể! (P3)

Du lịch Tân Trào Tuyên Quang – Thăm cây đa Tân Trào lịch sử

“Đi bão” chúc mừng U23 Việt Nam – Tết đến sớm hơn ở Hà Nội

Đà Nẵng – Thành phố chúng ta cùng theo đuổi (phần 2)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here