“Tuyết trắng mùa hè” không phải là viễn tưởng khi bạn đến thăm những ngọn núi tuyết vĩnh cửu, mà Ngọc Long Tuyết Sơn (Vân Nam) là một trong số đó. Nơi biến giấc mơ tuyết trắng của bạn thành hiện thực!
Ngọc Long Tuyết Sơn cách Trung tâm phố cổ Lệ Giang 30 km về phía Bắc. Núi tuyết Ngọc Long (玉龙雪山) có đỉnh cao nhất là Phiến Tử Đẩu cao 5 596 m, cao thứ 71 trong những ngọn núi cao nhất thế giới. Toàn bộ hệ thống núi có 12 đỉnh núi cao trên 5 000 m quanh năm tuyết phủ, nằm bao phủ khu vực rộng lớn giống như con rồng trắng nên được gọi là “Ngọc Long”.
Tên phiên âm của núi Ngọc Long là “Yulong Xue Shan”, tên tiếng anh là Jade Dragon Snow Mountain.
Cáp treo có thể lên đến độ cao 4 506 m. Từ đây những người thích thám hiểm có thể thuê ngựa để lên cao hơn.
…
Khi mình hỏi cách đi núi Ngọc Long Tuyết Sơn tự túc , khách sạn không thể hướng dẫn (vì không nói được tiếng Anh) và báo mình giá tour là 300 tệ/người, bao gồm vé vào cửa, cáp treo, xe đi và về. Nhưng mình muốn tự đi vì cóthẻ ISIC / IYTC và chủ động thời gian.
Thế là mình lên các trang web tìm thông tin. Cách đi là ra quảng trường có tượng Mao Trạch Đông, bắt xe bus số 7 đi thẳng Ngọc Long.
Vấn đề là, trước cửa khách sạn, mình có thấy điểm xe bus số 7 đi qua. Mình có chụp ảnh thông tin các điểm xe qua, gửi cho đứa bạn giỏi tiếng Trung của mình, nó bảo xe số 7 có qua Ngọc Long Tuyết Sơn đâu, cũng không qua Quảng Trường!
Thế xe bus số 7 “thần thánh” là xe nào?
…
Sáng sớm, việc làm đầu tiên của hai đứa là đi mua bình ô xi. Vì không khí trên núi bị loãng, bạn có thể bị đau đầu hay nặng hơn là ngất. Cũng chưa “lên đỉnh” cao thế bao giờ, mình không biết có bị sao không nhưng vẫn chuẩn bị trước. Hai đứa mua 1 bình dùng chung. Sau này thì mình thấy thế là đủ, không cần thiết mỗi người một bình. Mua ở Lệ Giang giá là 30 tệ, lên núi bạn phải mua với giá 60 tệ.
Vẫn còn hoang mang vì không biết đi kiểu gì, hai đứa ra bến xe bus hỏi người dân. Chị ấy bảo không phải đi xe “số 7 này” mà giờ đi xe số 3 ra Rea Sun Square ở 215 đường Minzhu (Địa chỉ tiếng Trung 丽江古城区民主路215号).
Chưa biết đúng hay sai, hai đứa tin tưởng đi luôn xe bus số 3 ra Quảng Trường. Lên xe mình nhờ bác tài, khi nào đến Quảng Trường cho xuống.
Quảng trường Mặt Trời Đỏ có tượng Mao Trạch Đông to ở trung tâm. Bạn có thể nhận ra từ xa. Xuống xe, mình thấy ngay một góc quảng trường có vài chiếc xe màu xanh nước biển 7 chỗ. Bọn mình vừa chạy đến thì cô lái xe ra vẫy ngay. Chắc cứ thấy khách cầm bình ô xi là cô biết điNgọc Long Tuyết Sơn.
Lúc này, mới thấy biểnxe bus số 7ở đây. Hóa ra, xe bus số 7 không chỉbus nội thànhmà làbus 7 chỗdành riêng cho du khách đi Ngọc Long Tuyết Sơn. Vậy sao người ta không đặt tên một số khác để tránh hiểu lầm nhỉ?
Mình để ý thấy ngoài bus số 3, số 9 và 11 cũng đi qua quảng trường. Từ chỗ mình thì đi số 3, tùy vị trí của bạn mà bạn bắt xe hay tìm cách đi ra quảng trường tiện và nhanh nhất nhé!
Lúc hai đứa lên xe thì có 1 cô đã ngồi đợi sẵn. 10 rồi 15 phút trôi qua, không có khách nào nên xe không khởi hành. Giá xe bus đi Ngọc Long là 20 tệ/ người. Xe full 6-7 người sẽ chạy. Đợi mãi không được, cô ngồi sẵn đi mất, bọn mình sốt ruột chờ thêm những vị khách khác!
30 phút, rồi 40 phút, xe cuối cùng cũng khởi hành khi có thêm 2 người nữa. Nhưng vì ít người nên mọi người thống nhất 25 tệ/người.
…
Xe đếnNgọc Long Tuyết Sơnmất 40-45 phút. Trên đường đi, cô tài xế nhiệt tình hỏi mọi người có muốn thuê áo khoác không? Áo phao đỏ dài tới chân cho thuê 50 tệ/cái. Do hai đứa đã chuẩn bị áo phao đầy đủ nên không có nhu cầu thuê thêm. Hơn nữa, giá thuê áo trên núi cũng 50 tệ, nên bạn lên núi thuê cũng được.
Đường đi núiNgọc Long Tuyết Sơnrất đẹp, hai bên đường là những cánh đồng rộng bát ngát. Phía trước, dãy núi Ngọc Long trắng đường chân trời, sừng sững dưới ánh nắng.
Cách chân núi khoảng 15 phút đi xe là trạm mua vé vào cửa. Anh nhân viên đến tận xe đưa vé, bọn mình còn không phải xuống xe. Do cóthẻ sinh viên quốc tế ISIC /IYTC nên hai đứa được giảm một nửa, từ 130 tệ còn 65 tệ/ người. Vé vào cửa này đã bao gồm xe bus đưa đón, không bao gồm cáp treo. Trước kia mình cứ tưởng, vé cứ thế mà giảm thôi, hóa ra là họ thiết kế sẵn vé riêng cho học sinh, sinh viên và người trẻ giảm một nửa. Nên khi bạn cầm vé, những cửa soát vé sau, họ biết bạn là vé thẻ ISIC rồi.
…
Xe dừng lại trước cổng khu thăm quan hoành tráng, có rất nhiều xe du lịch to đỗ chật kín. Có biển báo, chỉ dẫn bằng tiếng anh nhưng có nhiều “Ticket office” quá, không biết đâu mà lần.
Bọn mình cùng vài khách du lịch sau một hồi hỏi han đi bộ qua một cái hồ rất đẹp, đi qua sân khấuẤn Tượng Lệ Giangđể vào khu cáp treo.
“Ấn tượng Lệ Giang – Impression Lijiang” là vở nhạc kịch kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi được đạo diễn bởiTrương Nghệ Mưuvà hai cộng sự Fan Yue và Wang Chaoge. Mỗi ngày trình diễn 3 lần vào lúc 9 giờ, 11 giờ và 14 giờ chiều.
Ấn tượng Lệ Giangcó sự tham gia của 500 vũ công và 200 chú ngựa giữa sân khấu đá dựng ngoài trời ở độ cao hơn 3 000 m so với mực nước biển, lấy phông nền chính là đỉnh núiNgọc Long Tuyết Sơn.
Một clip trích đoạn từ show Ấn Tượng Lệ Giang (Nguồn: Cùng Phượt – Youtube)
Trên sân khấu có bảng chữ điện tử phụ đề tiếng Anh để phục vụ du khách nước ngoài.
Lịch trình ban đầu của mình có xem Ấn Tượng Lệ Giang, vé khoảng 190 tệ. Nhưng điều kiện là bạn phải mua vé vào Lệ Giang 80 tệ mới được mua vé xem show. Thấy chi phí khá cao, lại không đủ thời gian, nên mình hủy xem chương trình vào phút cuối. Dự định nếu được sẽ xem showThe Fairy Foxcũng của Trương Nghệ Mưu ởThiên Môn Sơn, Hồ Nam sau.
Chỉ đi qua thôi, mình cũng thấy sân khấu hoành tráng đến thế nào!
…
Bọn mình đi mãi vào bên trong để mua vé cáp treo, đi qua không biết bao nhiêu quầy bán vé gì đó (mình cũng không hiểu) mà cũng mà không thấy!
Khu nhà trung tâm chia thành nhiều khu nhỏ. Hỏi lên hỏi xuống vài lần, cuối cùng bọn mình cũng thấy đường lên cáp treo!
Nhưng khoan, sao không thấy quầy vé mà đã lên cáp treo nhỉ?
…
Vào khu xếp hàng lên cáp treo là thấy toàn người là người! Du khách xếp 6 hàng để lên cáp dài thườn thượt…
Lúc xếp hàng, mình có gặp 2 bạn gái người Trung đến từ Hàng Châu. Các bạn nói được chút tiếng Anh nên mình nói chuyện một chút tiếng Anh, một chút tiếng Trung. Hai bạn ấy mua bình ô xi ở đây là 60 tệ. Hai bạn bảo đã mua vé cáp treo bằng Wechat từ ở nhà, giờ các bạn chỉ cần đưa điện thoại ra check in là xong. Các bạn ấy cũng không biết mua vé cáp treo ở đâu?
Hai bạn gái đi Didi (tương tự giống Grab) và thanh toán qua Wechat nên giá rất ok, nếu các bạn chung đường về khách sạn mình đã đề nghị đi chung xe share tiền rồi!
Hóa ra bọn mình mới xếp hàng để lên xe ô tô màu xanh lá to chạy lên ga cáp treo. Xe còn chạy 15 phút đường núi, lên cao hơn nữa. Nhiều người lúc này đã lấy bình ô xi ra hít hà.
Tiếp tục xếp hàng ra cáp treo, mà mình vẫn không biết mua vé cáp treo ở đâu. Mình quan sát thấy tour guide phát vé cho khách. Những người khác thì cầm sẵn điện thoại vì đã mua vé online hết.
Mình lo là không mua được vé, đến lúc không có vé lại phải quay lại xếp hàng từ đầu?
May quá đến gần bến cáp treo, thì người ta hỏi vé. Thấy mình là người nước ngoài, anh nhân viên chỉ ra quầy vé ngay cạnh. Cả đoàn người đông như thế, xếp hàng 45 phút để lên cáp treo mà có mỗi hai đứa quay ra mua vé, đúng là high tech thật! Vé cáp treo là 200 tệ/ người. Thẻ ISIC / IYTC chỉ được áp dụng với vé vào cửa, còn vào rồi, các loại vé cáp treo, xe điện… thường không được chiết khấu.
Gần trưa, trời nắng gay gắt. Cáp treo leo vù vù lên đỉnh núi. Quang cảnh núi Ngọc Long khi đi cáp treo không xanh mát, hoang sơ như ởTrương Gia GiớihayFansipancủa mình. Cây cối ít hơn, thưa hơn. Núi đá phủ tuyết nên có những đoạn trơ trọi. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm, không khí loãng, hành khách bắt đầu mở bình ô xi. Tuyết mùa hè xuất hiện bất chợt thành những mảng nhỏ phủ trên núi.
Núi tuyết mới lúc nãy còn xa xôi kỳ vĩ giờ đã hiện hữu ngay trước mắt, sáng bừng như những bức ảnh tạp chí. Oa, với một đứa con gái nhiệt đới, thì lần đầu thấy tuyết lại giữa mùa hè thật quá ấn tượng!
Ra khỏi cáp treo, rùng mình vì lạnh. Bảng nhiệt độ ở nhà ga cáp treo là 9,6 độ C. Hic, ở Hà Nộinhiệt độ này là rét hại kinh hoàng rồi! Thế mà trời nắng chang chang, má ai cũng đỏ hây hây vì thời tiết khô.
Có hai đường để leo cầu thang gỗ lên cao tiếp. Thấy bên phải đông hơn, bọn mình đi bên trái. Có rất nhiều du khách mặc trang phục lộng lẫy chụp ảnh, nổi bần bật trên nền tuyết!
Ôi, tuyết trắng bao la, phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh! Sự phấn khích giúp mình thích nghi với sự chênh lệch áp suất, độ cao nhanh hơn.
Leo bộ thật sự cần rất nhiều sức, rất mệt! Chẳng mấy chốc, niềm hưng phấn bay đi, để lại cơn đau tai, đau đầu. Chưa bao giờ lên cao đến thế, nhiệt độ giảm, không khí loãng, lần đầu tiên mình cảm thấy không ổn khi leo núi. Bình ô xi được sử dụng liên tục nhưng tình hình không khá hơn. Đầu đau hơn và mình lúc đấy không còn để tâm đến gì khác. Sau này xem lại mới thấy những tấm ảnh chụp lúc đấy mắc quá nhiều lỗi.
May quá, trước khi đi, mình mang theo một gói bánh sữa Ba Vì. Hai chị em bóc ra, ăn một miếng mà như thần dược vậy, đầu óc dần tỉnh ra và không còn đau đầu! Chẳng biết có đường thì máu lưu thông hơn hay không. Nhưng cũng từ đó, hai đứa đỡ quay cuồng, tung tăng chơi với tuyết!
Hai chị em gặp một nhóm 3 bạn nam đang đi xuống. Bạn ấy đưa một bình ô xi nhỏ và bảo còn nhiều lắm, các bạn dùng đi, các bạn ấy về rồi! Cảm ơn các bạn!
…
Gió thật sự rất mạnh, thỉnh thoảng “tát” vào mặt rát tái tê. Giữa trưa nắng rừng rực mà núi tuyết vẫn lạnh thế này, người người xuýt xoa vì cóng!
Người đông, du khách xếp hàng thay phiên nhau chụp với các cột mốc. Xung quanh phần lớn là khách Trung Quốc, không có người nước ngoài. Nghe tiếng nói, mình nhận thấy có nhiều vị khách từ Hồng Kông, Đài Loan.
Các bạn chú ý là vòi dùng để hít ô xi rất dễ rơi ra. Nếu nếu cầm bình để tạo dáng chụp ảnh hay để tạm dưới đất, bạn chú ý nhé, nếu mất là không dùng được bình đâu!
Xuống cáp treo, bọn mình lên xe buýt xanh đi về. Cứ tưởng là về luôn, hóa ra là xe đưa tiếp vào khu vựcThung Lũng Lam Nguyệt.
…
Thực ra quần thểNgọc Long Tuyết Sơncó đến 3 chặng cáp treo và các khu vực:Cam Hải Tử (Ganhaizi, Dry Sea Meadow): 4 400 m, Vân Sam Bình (Yunshanping, Clour Fir Meadow): 3 300 m, Mao Ngưu Bình (Maoniuping, Yak Meadow): 3 500 m. Ngoài ra còn có Bạch Thủy Hà (Baishuihe) và Hắc Thủy Hà (Heishuihe).
Thông thường du khách chủ yếu đi cáp trao lên đỉnh 4 400m, xem Ấn Tượng Lệ Giang, đi thăm Thung Lũng Lam Nguyệt có Bạch Thủy Hà là thích lắm rồi! Nếu bạn yêu thích mạo hiểm có thể vào sâu các khu vực bên trong. Chi phí để đi đến tận cùng, mọi hang cùng ngõ hẻm ở Ngọc Long không hề nhỏ và không thể đi hết trong 1 ngày!
…
Xe buýt vào bến, du khách di chuyển tiếp bằng xe điện. Vé 50 tệ/người, gồm 3 liên cho 3 điểm dừng, nhân viên sẽ xé dần qua từng chặng.
Chặng một, xe dừng ở hồ Kính Đàm, nước trong xanh màu ngọc bích, nhìn xuống tận đáy hồ. Các cặp đôi say sưa tạo dáng, hòa vào thiên nhiên. Có một thác nước nhỏ nơi này tuy nhiên mình thấy hơi “nhân tạo”.
Du khách thưởng lãm xong, chủ động chờ đợt xe điện khác đến để đi đến điểm tiếp theo. Người nào còn muốn nán lại cứ chủ động chờ lượt xe sau, xe điện đủ khách là đi, cứ thế chạy vòng đón khách.
Chặng hai, Xe dừng ở Bạch Thủy Hà, nơi có thể chụp ảnh với những chú bò Yak. Theo mình đây là nơi đẹp nhất, tự nhiên nhất. Từ đây ngắm đỉnh Ngọc long đẹp như một bức tranh. Đứng với tên gọiThung lũng Lam Nguyệt, nước xanh thế này, mặt trăng mà soi bóng vào cũng muốn lặn xuống chơi luôn, không muốn ở trên trời nữa!
Cũng không biết vì sao, vùng đất này, nước xanh đến thế, hồ nào cũng xanh trong, không xanh lam thì xanh dương, nhưhồ Lugu, hồ Nhĩ Hải.
Bạch Thủy Hà được hình thành bởi những lớp nham thạch theo dạng bậc thang, nước chảy xuống tạo thànhbậc thang nước. Mấy hôm sau, mình điBạch Thủy Đàiở Shangri La cũng có cấu tạo tương tự nhưng hoành tráng và độc đáo hơn nhiều!
Chặng ba, tiếp tục là hồ nước xanh. Ban Quản Lý đã xây các đường đi bộ ven hồ bằng gỗ cực đẹp để du khách có view hồ đẹp nhất.
Hồ đẹp nhất là khi mùa thu đến, lá nhuộm vàng tầng trên, soi bóng xuống mặt hồ tĩnh lặng.
Xe điện đón bạn đến địa điểm cuối cùng, là một ngôi làng trên núi. Trời nắng, làng vắng. Du khách trót xuống xe lại đứng dưới bóng cây xếp hàng lên xe luôn. Ngôi làng rất bình thường, mình cũng không hiểu sao xe lại dừng ở đây? Làng không có quán ăn mà chỉ có vài nhà dân bán thịt bò hun khói các kiểu. Ai quan tâm thì mua làm quà.
….
Lịch trình tiếp theo của bọn mình là đihồ Lu Gu. Ngồi trên xe bus mà lo lắng vì chuyến muộn nhất đi Lu Gu trong ngày là 3h 30’ chiều. Về Lugu mất 4-5 tiếng mà giờ hai đứa vẫn còn thơ thẩn trên núi.
… Vừa ra đến bến xe, đã có xe 7 chỗ màu xanh vẫy vềLệ Giang. Thấy xe đã có 2 anh chị ngồi chờ nên mình lên xe, nghĩ sẽ đi nhanh thôi. Ai ngờ, cũng phải đợi lâu như buổi sáng tới khi đầy xe. Thấy hai vợ chồng anh chị lái xe tuyệt vọng mời khách cố kiếm thêm mà mình cũng không nỡ sốt ruột.
Đây là vấn đề bạn hay gặp phải khi đi du lịch tự túc mà muốn tiết kiệm, thật sự mất thời gian và rất sốt ruột.
Xe đi 40 phút về thành phố, dừng ở Quảng trường cho mọi người về. Biết đằng nào cũng muộn xe, hai đứa bình thản về khách sạn, lấy hành lý ra bến xe.
…
Có một điều đáng tiếc nho nhỏ là Lệ Giang có bus 2 tầng nhưng hai đứa không được trải nghiệm.
….
Hai đứa ra đến bến xe đã qua 4 rưỡi. Quả nhiên, không còn chuyến xe nào cho đến sáng mai. Tin vui là, không đặt vé trước, bạn không để phí một đồng nào cả. Tin buồn là, tuyến đường độc đạo đi Lugu biết tính sao, đến Lugu thế nào khi đã gần 5 giờ chiều?
Đọc thêm:
Tổng hợp Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc
Lợi ích và hướng dẫn làm Thẻ sinh viên quốc tế ISIC du lịch khắp thế giới
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa Trung Quốc (Phần 1)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Thành phố mùa Xuân Côn Minh (Phần 2)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam – Đại Lý huyền thoại (Phần 3)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Mơ màng Lệ Giang (Phần 4)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Đại Nghiên Cổ Trấn, Thúc Hà Cổ Trấn (Phần 5)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Huyền thoại Hồ Lugu – Tây Lương Nữ Quốc (Phần 7)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Đi tìm chân trời đã mất ở Shangri La (Phần 8)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Tìm đường đến Trương Gia Giới (Phần 9)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Chặng cuối dừng chân ở Nam Ninh (Phần 14)
Bỏ túi kinh nghiệm du lịch núi Thương Sơn (Trung Quốc) tự túc
Thủ tục xin visa du lịch Trung Quốc dành cho bạn làm lần đầu
Từ trải nghiệm thực tế xếp hàng xin visa đến văn hóa xếp hàng
Du lịch Bangkok tự túc một mình dành do bạn gái