Shangri La, một cái tên “tây tây” như thế lạc vào giữa các địa danh Hán tự của Trung Quốc thật lạ lẫm. Có lẽ bởi thế, đến Shangri La gặp nhiều Tây Balo hơn hẳn…
Đi từ Lệ Giang đến Shangri La khoảng 180 km. Đi xe khách giá 58 tệ /người. Khách xếp hàng mua vé tại bến, có soát vé, ai đến sớm ngồi trước, chuyến muộn nhất vào lúc 17 giờ 30 phút hàng ngày, cứ 30 phút có một chuyến.
Bị người tài xế xe khách đưa từ hồ Lugu bỏ rơi ở Lệ Giang, không đưa về tận bến xe làm hai đứa muộn mất 1 giờ về đến bến, cũng như phải lùi chuyến đi lại 1 giờ.
Xe khách đi Lệ Giang là xe tầm trung, 24 chỗ, đã cũ. Mình nói kỹ chi tiết này để thấy rõ sự khác biệt đi xe khách từ Trương Gia Giới đi Phượng Hoàng Cổ Trấn, quãng đường gần tương đương nhưng giá cả và dịch vụ khác hẳn!
Shangri La có tên cũ là Trung Điện. Trong tác phẩm văn học nổi tiếng của mình, James Hilton đã gọi Shangri La là “thung lũng bất tử”. Cũng từ đấy, miền đất Trung Điện được chính phủ đổi hẳn sang tên Shangri La, trở thành điểm đến thu hút khách du lịch phương Tây. Người Trung Quốc đọc là “Sang gờ ri la”, bạn phải đọc như thế họ mới hiểu mình nói đến địa điểm gì.
Shangri La nằm trên cao nguyên cao hơn 3 300 m so với mực nước biển (nghĩa là cao ngang đỉnh Fansipan). Mùa thu, giữa tháng 10 tới giữa tháng 11 là lúc Shangri La ngập tràn cảm xúc nhất với thảm động thực vật đa dạng. Đây cũng là mùa cao điểm của du lịch.
Màu sắc bao phủ lấy vùng đất này khi mình đến thăm là màu vàng. Màu vàng của cỏ cây, những ngôi nhà, của nắng. Không gian cũng nhuộm vàng những sắc thái khác nhau như tâm trạng của đất trời!
…
Xe khách đi lên núi cheo leo. Du khách có cơ hội được ngắm núi non hùng vĩ cùng một đoạn con sông Dương Tử.
Sau hơn 4 giờ trên xe, xe tiến vào Shangri La. Cơn mưa chợt đến rồi lại đi giữa buổi chiều oi ả làm xuất hiện cầu vồng nối liền giữa hai đỉnh núi!
Chúng mình đến thành phố Shangri La lúc 7 rưỡi tối, trời nhá nhem tối, lạnh thần sầu. Mới trưa còn nắng đổ lửa mà không ngờ đến đây như trải qua mùa đông thứ hai của năm. Người dân nơi đây mặc áo phao đại hàn dài đến chân mà nói còn ra hơi.
Đến bến xe thì họ đã đóng cửa, mình không hỏi thăm được chuyến xe hôm sau đi Bạch Thủy Đài.
Đang bắt xe về khách sạn thì gặp chị gái hôm qua vẫy bọn mình đi Lugu! Duyên quá cơ, cách mấy trăm km mà hôm nay vẫn còn gặp lại nhau. Chị ấy hôm nay giúp mình gọi xe về khách sạn khu vực phố cổ giá 20 tệ, còn nhiệt tình khoe, hai cô Hàn Quốc này hôm qua gặp ở Lệ Giang đấy!
Các biển báo ở Shangri La đều có phiên âm, tiếng Phạn và cả tiếng Trung. Lúc đấy, mình đã nghĩ, chắc đất du lịch nên người dân nơi đây bắn tiếng Anh tốt hơn những nơi khác, biển tiếng Anh cũng thân thiện hơn. Nhưng thực ra không phải, lịch sử tiếp tục lặp lại, biển tiếng Anh chỉ giúp du khách nhận biết dễ hơn thôi, người dân phần lớn không giao tiếp được tiếng Anh, cũng không dùng chữ phiên âm/ bính âm.
Chú lái xe đi lạc. Dù đã bật Baidu chỉ dẫn GPS nhưng chú vẫn lạc. Chú chở bọn mình đến gần khách sạn thì gặp một công trường. Chú vác vali 2 đứa lên, đi qua tấm ván tròng trành, rồi dẫn bọn mình đi hỏi đường xung quanh. Bọn mình hỏi hai ba người dân trong khoảng 15 phút không có kết qủa. Số điện thoại của khách sạn không liên lạc được, tên phiên âm khách sạn thì họ không hiểu. Tên tiếng Trung thì họ lắc đầu? Hai đứa lạnh co ro, do không ngờ lạnh đến thế nên không chuẩn bị áo rét. Lúc đấy, không tìm thấy khách sạn, đầu óc cứ quay mòng mòng, tiếng người dân cứ ù ù bên tai, không vào đầu tý nào! Chú lái xe nhiệt tình quá nên hai đứa định đưa thêm tiền cho chú.
Sau một hồi, lại quay ra, chú vác hành lý giúp bọn mình lên ô tô vòng qua đường khác.
Chú dừng trước cửa một khách sạn và khẳng định là đúng. Nhìn biển hiệu không đúng nhưng bọn mình không còn cách nào khác phải xuống. Chú tạm biệt và không lấy thêm tiền, chú bảo giúp đỡ thế này là đương nhiên!
…
Chị nhân viên khách sạn tiếp đón hai đứa nồng hậu. Khi biết không phải khách của mình, chị vẫn nhiệt tình bảo bọn mình gửi vali rồi dẫn bọn mình đi tìm khách sạn. Hóa ra khách sạn mình book nằm cách chỗ chị chưa đầy 100m nhưng đã đóng cửa, tối om. Thế là bọn mình quyết định thuê phòng ở khách sạn chị luôn.
Tuy nhiên khách sạn chị sang và hiện đại quá. Đây là một quần thể xây dựng theo kiến trúc cổ ở Shangri La. Các phòng làm và trang trí bằng gỗ, giường to, có đèn sưởi, rất phù hợp với các cặp đôi. Nội thất tinh xảo, sang trọng được đầu tư đồng bộ. Không phải mùa cao điểm, chị bảo còn 1 phòng trống, 160 tệ. Giá rất đẹp so với chất lượng phòng nhưng lại vượt quá hầu bao của bọn mình nên hai đứa đành đi tìm phòng khác.
Chị lại dẫn mình sang các khách sạn bên cạnh hỏi phòng, tối đa là 100 tệ. Quên kể cho các bạn, con phố này trong phố cổ, bốn bề đều là khách sạn. 9 giờ tối, nhỡ phòng, phòng rẻ nhất cũng hoành tráng quá mức cần thiết. Thế là cuối cùng chị lại dẫn về khách sạn của chị, hỏi chủ khách sạn và đồng ý cho bọn mình thuê với giá 100 tệ.
Vì book phòng qua booking.com nên mình đã báo sự việc này ngay lên booking và sau khi mình trở về đã được bồi thường một phần chi phí. Bọn mình ở Shangri La 2 tối, nên mình nhanh chóng book một khách sạn khác vào đêm hôm sau với giá chỉ 78 tệ/ngày đêm.
Nhận phòng xong là hai đứa đi ăn tối ngay, lẩu bò Yak không bàn cãi!
…
Sáng hôm sau, bọn mình check out sớm, gửi hành lý điBạch Thủy Đài.
Hai đứa đi bộ tìm điểm xe bus ra bến xe khách. Điểm dừng xe bus được thiết kế phù hợp với nét văn hóa đặc trưng của thành phố. Bến xe bus có wifi free cho du khách, nhưng như mình check thì khoảng 50/50 wifi hoạt động.
Ở Shangri La, taxi khá rẻ, từ phố cổ ra bến xe loanh quanh tầm 10 tệ. Có một điểm đặc biệt nữa là ở đây mình thấy khá nhiều tài xế nữ.
Xe điBạch Thủy Đàicó chuyến lúc 9 giờ sáng làm sớm nhất, thời gian theo như mình check là thay đổi theo từng mùa. Mình đã review lại chuyến đi Bạch Thủy Đài ở đây, bạn quan tâm có thể vào xem nhé!
Bạch Thủy Đài (白水台) nghĩa là bậc thang nước trắng, cách Shangri La 100 km đường núi. Bạch Thủy Đài nằm dưới chân của núi tuyết Haba. Bạch Thủy Đài đi và về mất nguyên một ngày. Bạch Thủy Đài có nhiều nét giống Bạch Thủy Hà ở Ngọc Long nhưng hoang sơ và hoành tráng hơn nhiều! Cũng bởi vì hoang sơ nên mình đã chọn đi Bạch Thủy Đài thay vì công viên Potatso.
…
Lỡ hẹn ở Tu viện Songzanlin
Nói đến Shangri La là nói đến tu viện Songzanlin nổi tiếng và đây cũng là hối tiếc lớn nhất của mình trong cả chuyến đi.
Tu viện Songzanlin có kiến trúc khá giống với tu viện Potala, Lhasa, Tây Tạng, nên thường gọi là Potala thu nhỏ. Tu viện Songzanlin nằm trên ngọn đồi bao bọc bởi nhà dân. Tu viện có cấu trúc đối xứng. Có một bí quyết nhỏ khi thăm quan ở đây là du khách hãy di chuyển theo nguyên tắc từ trái qua phải, thuận chiều kim đồng hồ.
Bạn sẽ dành ít nhất 3 đến 4 giờ để chiêm ngưỡng được hết nét đẹp tinh túy của Songzanlin.
Trở về từ Bạch Thủy Đài, bọn mình bắt taxi đi Songzanlin ngay, lúc đó là khoảng 6 giờ kém. Tu viện nằm gần trung tâm thành phố, đi khoảng 10 phút là đến. Có xe bus đi thẳng từ khu phố cổ ra tu viện nhưng bọn mình đang ở bến xe là đi thẳng Songzanlin luôn.
Hai đứa đến nơi thì thấy thông báo Tu Viện sắp đóng cửa, vé vào cửa là 110 tệ/người,thẻ sinh viên ISIC /IYTCđược giảm một nửa. Nhân viên nói là mình chỉ có thể vừa vào đến cửa là phải về ngay, tốt nhất là mai quay lại, 8h họ mở cửa.
Mình giải thích với họ là mai mình phải đi sớm rồi, nếu hôm nay không đi không biết bao giờ đi được nữa, nhưng rất tiếc đúng là không thể kịp đi nữa…
Ra đến cửa, bọn mình gặp một đôi người Tây Ban Nha và 3 bạn gái Trung Quốc vừa đến cũng phải quay về.
Nhưng họ còn có thể quay lại vào ngày mai, còn mình thì không. Lý do chắc sẽ kể lại cho các bạn ở postTrương Gia Giới . Trước đó, mình nhìn ảnh và tưởng tượng, Tu viện Songzanlin to lớn đồ sộ đến thế, đứng ngắm chụp ảnh từ xa cũng được. Nên đi vòng quanh phòng vé để ngắm Tu viện trên đồi từ xa. Ai ngờ, không thể ngắm được gì hết vì Tu Viện hình như quay vào phía trong, biệt lập. Hai đứa cũng không thể tự đi bộ đến tận nơi nên cứ đứng ngẩn ngơ mà tiếc.
Không bỏ cuộc, mình nán lại chụp ảnh với những bánh xe Dharma (Wheel of Dharma), tượng trưng cho sự hòa hợp trời đất.
Vốn không đề cao yếu tố tôn giáo, mình muốn đến Tu viện Songzanlin vì kiến trúc là chủ yếu. Nhưng đến Shangri La mà không đến Tu viện cứ thấy sai sai sao đấy?
….
Về thành phố, bọn mình tìm đến khách sạn mới. Lúc này mình mới thấm thía đặt khách sạn trong khu vực phố đi bộ khổ thế nào. Xe buộc phải dừng từ xa, bạn kéo vali trên con đường không bằng phẳng. Dài hơn 500 m thì nó trở thành một thử thách thật sự.
Khách sạn trong khu vực phố cổ Shangri La thật sự khó tìm, vì không rõ số nhà. Người dân không nói tiếng Anh, các căn nhà lại na ná như nhau. Sau 15 phút tưởng như kéo mòn cả bánh xe, nhờ Baidu, mình đã tìm được khách sạn.
Trời bắt đầu tối, đèn bắt đầu thắp sáng phố phường. Có một quảng trường trong khu phố, người dân đã tụ tập nhảy, xếp thành vòng tròn rất sôi động. Du khách hào hứng đứng xem và chụp ảnh.
Con phố dần đông đúc dù thời tiết ngày một lạnh. Khách sạn mình chọn xung quanh là phố ẩm thực, nhà hàng nào cũng đông đúc. Check in xong là hai đứa đi một vòng các quán lẩu bò Yak. Về cơ bản, thì giá là gần như nhau ở các cửa hàng, suất 2 người là 99 tệ, 3,4 người là 128 tệ.
Hôm trước mệt thế ăn bữa lẩu bò thấy no lâu, khỏe re. Hôm nay, lại ăn tiếp, nhưng quán khác, vị khác, phong cách khác. Mình chọn quán ngẫu nhiên, thấy sạch đẹp đông đông là vào.
Gọi lẩu có sẵn sườn, thịt, rau. Bạn được tặng thêm bánh và bình trà bơ cực xinh. Cơm nóng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, tự phục vụ không cần lo nghĩ. Nếu bạn gọi thêm thịt, đậu, rau thì 10 tệ/đĩa hoặc 10 tệ/rổ nhỏ.
Nói thêm về món trà bơ độc đáo, được ví là “quốc hồn “của Tây Tạng. Không những cung cấp năng lượng cho cơ thể mà trà bơ còn giúp người Tạng nơi đây chống chọi với điều kiện thời tiết giá buốt trên núi cao.
Trà bơ Tây Tạng được làm từ sữa, bơ bò Yak, muối Himalaya cùng với trà đen Puerh. Vị trà ngậy, thơm và hơi mằn mặn. Vì làm từ sữa và trà nên thực chất đây cũng là một loại “Trà sữa” cực kỳ hấp dẫn. Quá trình chế biến trà ở Shangri La mất khoảng một tiếng đồng hồ và rất cầu kì. Nói chung trà rất ngon, bạn nên thử nhé!
…
Tối hôm đấy, lần đầu tiên mình nghe thấy tiếng Việt sau hơn tuần vi vu xứ người. Hai gia đình đi du lịch Vân Nam mới đến từ hôm trước. Duyên hơn nữa, nói chuyện mới biết, các anh chị ấy cũng xin visa cùng ngày với mình, cùngxếp hàng xin visađúng những tháng ngày ấy luôn.
Khách sạn mình chọn trên booking.com làShangajoy Seasons Inn. Nhân viên là một cậu bạn nhiệt tình, có thể giao tiếp tiếng Anh. Phòng nhỏ xinh giản dị, có đèn sưởi, đệm sưởi, chỉ 78 tệ/phòng 2 người. Thời tiết khô đến nỗi da nứt nẻ.
Mỗi phố cổ đều có nét đẹp riêng. Lần lượt điĐại Lý , Lệ Giangrồi giờ là Shangri La, dạo phố đêm thật là một trải nghiệm tuyệt vời!
…
Thạch Ca Tuyết Sơn (Shika Snow Mountains) cao 4 500 m, nằm cách trung tâm Shangri La khoảng 7 km, là một điểm đến bạn nên cân nhắc khi đến “chân trời đã mất”. Lúc đầu mình cũng lưỡng lự khi chọn đi Ngọc Longhay Thạch Ca. Ngọc Long thì cao hơn, nổi tiếng hơn, giá vé cũng đắt hơn. Thạch Ca thì “độc” hơn, ít du khách hơn, giá vé cũng rẻ hơn. Nhưng vì muốn lên cao hơn nên mình chọn đi Ngọc Long. Thạch Ca cũng là núi tuyết bất tử, bạn đi quanh năm đều phủ tuyết trắng.
Trong thời gian ở Shangri La bọn mình qua lại ngắm Công viên Quy Sơn nhiều lần, quan sát cuộc sống người dân nơi đây, thật bình dị, ấm cúng.
…
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Shangri La, bạn có thể xem thêm trên phim Chuyến du lịch gặp được tình yêu / A Journey to Meet Love (Trần Hiểu, Cảnh Điềm) để biết thêm nhé! Bộ phim được chọn là 1 trong 2 bối cảnh chính về văn hóa, thiên nhiên và con người vùng đất bất tử!
Đọc thêm:
Tổng hợp Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc
Các câu hỏi thường gặp về thẻ Sinh viên Quốc tế ISIC
Hành trình 9 ngày: Lệ Giang – Shangri La – Tu viện Songzanlin – Hồ Napa: chuyện giờ mới kể
Lợi ích và hướng dẫn làm Thẻ sinh viên quốc tế ISIC du lịch khắp thế giới
Thủ tục xin Visa du lịch Trung Quốc cho người làm lần đầu
Từ trải nghiệm thực tế xếp hàng xin visa đến Văn hóa xếp hàng
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Khám phá Ngọc Long Tuyết Sơn (Phần 6)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Huyền thoại Tây Lương Nữ Quốc – Hồ Lugu (Phần 7)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Khám phá Trương Gia Giới (Phần 9)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Huyền thoại Trương Gia Giới (Phần 10)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Vườn Quốc Gia Trương Gia Giới (Phần 11)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Cổng trời Thiên Môn Sơn (Phần 12)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Lung Linh Phượng Hoàng Cổ Trấn (Phần 13)
Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Chặng cuối dừng chân ở Nam Ninh (Phần 14)
Bỏ túi kinh nghiệm du lịch núi Thương Sơn (Trung Quốc) tự túc
Hướng dẫn thăm quan Rừng đá Thạch Lâm từ Côn Minh
Bạch Thủy Đài Baishuitai đã “thả thính” phượt thủ như thế nào?
It is the best time to make some plans for the longer term and it is time to
be happy. I have read this submit and if I may just I wish to recommend you few fascinating issues or suggestions.
Perhaps you can write subsequent articles regarding this
article. I desire to learn more things about it!