Vùng đất của những huyền thoại – Con đường Hạnh Phúc – Đèo Mã Phì Lèng. Những chuyến đi không khiến chúng mình trở thành nhưng người khổng lồ nhưng đã giúp chúng mình trưởng thành, suy nghĩ lớn hơn và cảm nhận cuộc sống chân thực hơn bao giờ hết.

Trở về – Vượt “Tứ Đại Đỉnh Đèo” Huyền Thoại Mã Phì Lèng

Trước khi đến Hà Giang, mình không biết ở đây có món đậu phụ nổi tiếng. Đậu phụ ở đây do người H’ Mông chế biến, được xay kỹ nên mịn đến ngỡ ngàng, ăn mềm như tự trôi vào dạ dày! Ăn đậu mà như ăn …tào phớ!

Chợ phiên truyền thống Đồng Văn

Hôm cuối cùng là Chủ nhật, chúng mình đi chợ truyền thống và ăn sáng.Đoàn chia thành hai nhóm, nhóm kia đi ăn thắng cố và bánh cuốn, mình đi theo nhóm ăn đậu!Đậu phụ ở đây đúng là danh bất hư truyền!

(Nguồn Internet)

Hà Giang có rất nhiều đặc sản đặc trưng của miền núi như cơm lam Nướng Bắc Mê, cháo ấu tẩu, phở chua, xôi ngũ sắc, thịt trâu bò gác bếp, rêu nướng, mật ong bạc hà, thắng dền, thắng cố… Nếu có thể, bạn cố gắng thưởng thức nhiều nhất tại đây nhé!

Ăn xong, cả đoàn tiếp tục tách nhỏ để khám phá chợ phiên Đồng Văn. Mỗi tuần chợ họp một phiên duy nhất vào Chủ nhật. Vào ngày này, phố cổ tĩnh lặng trở nên náo nhiệt đông vui với đủ sắc màu sặc sỡ của các trang phục người Dao, Mông, Tày, Nùng, Giáy, Lô Lô… tù khắp ngả núi về họp. Tận mắt thấy họ tay dắt lợn, dắt chó đến bán… thật sự là một trải nghiệm đáng nhớ. Có người phải đi từ 3 giờ sáng, vượt qua mấy ngọn núi để kịp phiên chợ.

con đường hạnh phúc hà giang
(Nguồn Internet)

Các mặt hàng chủ yếu là nông sản, sản vật trong vùng do chính người dân làm ra. Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi để đồng bào vùng cao đến giao lưu, gặp gỡ.

Cả gia đình đi chợ. Các mẹ thì mua sắm, các bố đi thăm hỏi bạn bè, uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn; trẻ em đi chơi, thanh niên nam nữ đến chợ để kết bạn.

Vượt đèo Mã Phì Lèng, qua con đường Hạnh Phúc

Chiều về, đoàn đi qua Mèo Vạc.

Đèo Mã Phì Lènghiểm trở dài khoảng 20 km, đỉnh cao nhất có độ cao khoảng 1.200 m thuộcCao nguyên Đồng Văn, nơi cao nhất trêncon đường Hạnh Phúc.

Con đường Hạnh Phúc
Con đường Hạnh Phúc trên đèo Mã Phì Lèng

Mã Pí Lèng có nguồn gốc từ tiếng hán, có nghĩa là “sống mũi con ngựa”. Ý muốn nói, đèo dựng đứng, hiểm trở như sống mũi ngựa. Tuy nhiên, theo một số người H’ Mong bản địa thì tên đúng của đèo là “Máo Pì Lèng”, nghĩa là “sống mũi con mèo”.

Mã Pí Lèng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.

Con đường Hạnh Phúc
Sông Nho Quế nhìn từ đỉnh Mã Phì Lèng

Đèo Mã Phì Lèng được mệnh danh là con đèo đẹp nhất Việt Nam. Từ nơi đây có thể ngắm sông Nho Quế như một dải lụa xanh ngắt. Sương mờ bao phủ như tiên cảnh.

Con đường Hạnh Phúc, nghe thấy tên đã thấy hạnh phúc, đi trên đường càng thấy hạnh phúc hơn.

con đường hạnh phúc hà giang
Con đường Hạnh Phúc xuyên núi rừng

Con đường Hạnh Phúckhởi công xây dựng ngày 10/9/1959 có chiều dài khoảng 200 km chạy từ Hà Giang qua cao nguyên đá Đồng Văn và đỉnh Mã Phí Lèng rồi đếnMèo Vạc. Sau 8 năm thi công, con đường bắt đầu đi vào hoạt động ngày 10/3/1965.

8 năm cố gắng miệt mài, thách thức thiên nhiên của những thanh niên thời bấy giờ đã kết nối Mèo Vạc với thế giới, giúp đỡ bà con nơi đây có cuộc sống đầy đủ hơn. Con đường đã manghạnh phúcvề với vùng đất này, đã dùng xương máu, mồ hôi để đổi lấy tương lai.

con đường hạnh phúc hà giang
Con đường Hạnh Phúc từ nghĩa đen đến nghĩa bóng

Đất nước vẫn còn chiến tranh và nghèo khó, lớp lớp thanh niên hăm hở lên đường. Cao nguyên lạnh giá, cao chót vót, đất dễ nở nên phải làm cẩn thận, tỉ mỉ, từng chút, từng chút một. Dụng cụ làm việc thô sơ, chỉ có những chiếc búa, xè beng… hoàn toàn làm bằng sức người … Tất cả đã làm nên KỲ TÍCH!

Hiện nay, con đường vẫn liên tục được nâng cấp, bảo dưỡng để đảm bảo giao thông an toàn thông suốt.

Giấc mơ Tam giác mạch

Sau bao háo hức, cuối cùng, chúng mình đã đến lúc được chụp ảnh cùng hoa Tam giác mạch.

con đường hạnh phúc hà giang
Giấc mơ Tam Giác Mạch (Nguồn Internet)

Tam giác mạch còn có tên là lúa mạch đen, kiều mạch, mạch ba góc, sèo… Loài cây đặc biệt này không ưa nước và thích “thử thách” ở cao nguyên đất cằn sỏi đá. Cây trồng khi trời đã sang thu, vụ mùa sẽ kéo dài khoảng 3 tháng. Hoa nhỏ, có nhiều màu: trắng, hồng, tím… không thơm, sớm nở chóng tàn. Một cành hoa Tam giác mạch đứng riêng, có lẽ sẽ chẳng ai chú ý chứ đừng nói là khen đẹp. Nhưng cánh đồng Tam giác mạch lại khác, loài hoa sống bên cạnh đồng bào của mình, bên nhau cùng tỏa sáng đẹp mê hồn. Hoa mong manh, kiêu sa, đầy sức sống, can trường với gió trời.

con đường hạnh phúc hà giang
(Nguồn Internet)

Bên cạnh vẻ đẹp khiến triệu triệu người tìm đến nơi đây, Tam giác mạch còn có nhiều công dụng như làm bánh, thuốc chữa bệnh, làm đẹp, nấu rượu…

“Chuyện cổ tích về Cây Tam giác mạch:

Chuyện kể rằng nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới. Mày trấu, mày ngô không biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa ai nhóm bếp. Bởi thế, mọi người họp lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, khắp hang cùng ngõ hẻm đều đã tìm tới mà vẫn chưa có gì ăn. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương lạ, từ trước đến giờ chưa ai biết. Mọi người cùng tìm đến khe núi. Ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia. Nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cái bụng đã ngủ yên không khóc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác nên gọi là “tam giác mạch”.

Các bạn lưu ý là chụp ảnh với Tam giác mạch, chủ vườn sẽ thu phí. Giá trung bình 10k/người chụp. Vì họ đã bỏ công sức, tiền bạc đầu tư cho vườn để thu hoạch. Tuy bạn cẩn thận rất nhiều khi chụp ảnh nhưng không tránh được việc cây bị đổ, hoa bị nát. Nhiều năm liền, một số hình ảnh phượt thủ “bung lụa” quá đà ở các vườn hoa đã tạo nên tiếng xấu, gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Số ít các bạn không có ý thức đã khiến người dân nơi đây khá vất vả!

Con đường Hạnh Phúc
Follow me!

Tuy nhiên, bạn nhớ để ý và tìm hiểu xem chủ vườn chính xác là ai. Tránh mất tiền hai lần hay để tiền vào tay không đúng người. Nhiều người tranh thủ lúc chủ vườn vắng nhà, ngồi trông vườn, thấy khách muốn chụp ảnh thì thu tiền, đến khi, chủ vườn xuất hiện thật thì phải trả tiền lần nữa hoặc không xuất hiện lại thiệt thòi cho họ.

Những bức ảnh các bạn thấy đây là được chụp từ chuyến đi thực tế của chúng mình. Mình đã xin phép cả nhóm và các nháy để được chọn lựa và post lên một vài tấm.

con đường hạnh phúc hà giang

Ngoài ra, cũng có những bức ảnh sưu tầm từ internet, cũng xin cảm ơn các tác giả – những con người đã yêu vùng đất Hà Giang đến thế!

Đi để Trở về

Chúng mình ăn trưa trên đường ở một quán ăn dành cho dân phượt. Ngoài sân la liệt các xe còn nóng bởi hành trình dài, cắm cờ, dán số, chằng chịt hành lý. Trong quán, các phượt thủ ngồi theo nhóm, nhưng đồng bộ ngẫu nhiên bởi phần lớn đều mặc áo cờ đỏ sao vàng. Ăn xong, cả nhà gục xuống bàn, mọi người tự tìm chỗ ngả lưng, nghỉ ngơi, thư giãn tầm 30-45 phút rồi đi tiếp.

con đường hạnh phúc hà giang
Về thôi!

Dòng xe phóng mải miết trên đường, thời gian cũng dần trôi. Đôi lúc mình lo không về kịp trời tối. Cả đoàn hối hả nối đuôi nhau khi nắng đã dịu dần. Đói bụng, Xế và Ôm chia nhau những chiếc bánh mỳ xúc xích cuối cùng, ăn vội trên đường.

Cảm giác trở về cũng háo hức như lúc đi về vậy, nhưng nhẹ nhàng hơn, bình yên hơn.

con đường hạnh phúc hà giang
Đuổi theo mặt trời

Chúng mình về thành phố khi hoàng hôn vừa tắt. 12 xe cập bến xe giường nằm an toàn.

Một lần nữa, đồ lại được tổng kết rồi chia ra để phân công cho từng người. Tưởng mưa, ai ngờ thời tiết quá đẹp, có chút nắng gắt nên hầu hết áo mưa đều không dùng đến. Đây là thành quả “Cầu Nắng” của Chị Cả trong đoàn! Các Xế bàn giao lại xe máy cho nhà xe. Lead và phó đoàn tất bật xử lý các vấn đề tiền nong chi phí.

Con đường Hạnh Phúc
Tự sướng theo style Phượt

Xung quanh khu vực bến xe có nhiều nhà nghỉ cho thuê tắm gội nóng lạnh tầm 20 – 30k/ người. Mọi người thay phiên nhau ăn tối và tắm giặt. Ở bến xe cũng có khu vệ sinh cho khách thay đồ, nước sạch đầy đủ.

8 giờ xe chạy. Cả nhà lên xe lăn ra ngủ không biết gì, một mạch về đến Hà Nội.

5 giờ sáng về đến Mỹ Đình, chúng mình lật đật soạn đồ và chia tay nhau. Những ai gần nhà nhau thì gọi chung taxi. Riêng mình về nhà lại ngủ tiếp, sáng đi làm bình thường, cực kỳ khỏe!

con đường hạnh phúc hà giang
Vì cuộc đời là những chuyến đi

Tiếc rằng, ngay sáng hôm sau, mình bị mất điện thoại nên không còn nhiều ảnh để khoe. May là vẫn còn ảnh trong máy ảnh!

Chuyến đi này, mỗi người chi phí là 1,8M. Xăng xe, Xế và Ôm chia nhau.

Hẹn gặp lại Hà Giang!

Chúc các bạn có chuyến đi hấp dẫn, độc đáo của riêng mình!

Vậy là mình có thể “cào” thêm tỉnh Hà Giang, cực Bắc của tổ quốc trên bản đồ cào Việt Nam của mình rồi!

Đọc thêm:

Phượt bụi nhóm – Hà Giang vẫy gọi – Mùa Tam giác mạch (Phần 1)

Phượt bụi nhóm – Hà Giang vẫy gọi – Mùa Tam giác mạch (Phần 2)

Phượt bụi nhóm – Hà Giang vẫy gọi – Mùa Tam giác mạch (Phần 3)

Phượt bụi nhóm – Hà Giang tháng 11 – Mùa Tam giác mạch (Phiên bản tiếng anh)

Về Sa Pa – Thiên Đường gọi tên – mùa nước đổ

Lạc lối ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh)

Khám phá công viên địa chất Dã Liễu, thăm “Nữ Hoàng” – Đài Loan

Về vùng đất khói lửa – Quảng Trị

Những vật dụng cần thiết khi đi du lịch dành cho chị em

Du lịch một mình Điện Biên (Phiên bản tiếng Anh)

Những điều cần biết và chuẩn bị: Kinh nghiệm du lịch tự túc Campuchia

Kỷ niệm ngắm hoàng hôn ở đầm lầy Cao Mỹ và cái kết phũ phàng

Sổ tay kinh nghiệm đi du lịch tự túc Động Thiên Đường (Phong Nha, Quảng Bình)

Phim trường Hoàng cung nhà Tần tại Hoành Điếm – Đi tàu từ Hoành Điếm về Thượng Hải

Những lưu ý kinh nghiệm đi Myanmar tự túc dành cho bạn gái

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here