Được mệnh danh là “Tây Lương Nữ Quốc của hiện thực”, hồ Lugu như một tấm gương xanh khổng lồ giữa núi rừng quyến rũ từng du khách ghé qua. Chót nhỡ xe ở Lệ Giang, hai đứa tìm mọi cách đến Lugu đúng như lịch trình.

Chán nản ra khỏi quầy bán vé, mình đã nghĩ đến chuyện bắt xe đi nhờ dần đến hồ Lugu, đi xe tải hay xe chở hàng cũng được.

Thấy bọn mình kéo hành lý, một chị ra hỏi có đi hồ Lugu không? Chị bảo xe 500 tệ/ 7 người chia ra. Thấy giá chỉ đắt hơn xe khách một chút nên mình ok ngay. Nhưng đời đâu dễ dàng, tưởng đã có đoàn ngồi chờ trong xe là đi luôn, ai ngờ xe trống trơn. Hóa ra có cầu ắt có cung, chị ấy không tiện đi Lugu mời ghép xe mà là xe khách dịch vụ như xe đi Ngọc Long lúc sáng.

Hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc
Hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc

Thế là hai đứa đứng ở vỉa hè chờ người đi chung để ghép xe.

Chị gái nhiệt tình ra quầy vé hỏi có ai đi không…

10 phút, rồi 20 phút trôi qua, không có ai cả. Lúc đấy, mình thấy thiếu mỗi nước đi xin cái biển rồi viết chữ “ai đi hồ Lugu không” ra giữa đường vẫy thôi…

30 phút, không thấy động tĩnh gì, chị gái ra bảo, nếu em vẫn định đi hồ Lugu thì 500 tệ/2 người, ok không? Đương nhiên là bọn mình không đồng ý, nhất quyết chờ thêm, bởi mình vốn lạc quan mà!

Đang thẫn thờ thì một anh giai đi qua hỏi, đi hồ Lugu không, anh lấy 300 tệ. Anh bảo anh có xe con 4 chỗ, sẽ đi ngay. Mình nhờ anh cho thêm 10 phút nữa, vì buổi tối đi xe có 2 đứa con gái cũng hơi sợ, mình vẫn muốn chờ thêm.

Vài phút sau, một bác đi xe 16 chỗ vừa trả khách ở cổng bến, hỏi có ai về hồ Lugu không, bác bảo 400 tệ 2 đứa. Thấy có đối thủ cạnh tranh, hai chị gái lúc đầu quay ra tranh khách ầm ĩ. Đúng lúc như thế, anh 300 tệ phi xe ô tô ra, vẫy bọn mình, anh bảo không đi ngay anh về luôn đấy, muộn rồi!

Vì giá anh rẻ nhất, nên ngần ngừ 2s, bọn mình lên xe, chấm dứt tranh cãi.

Lên xe, anh bảo, nhà anh ở hồ Lugu nên anh kiếm thêm, về nhà luôn chứ không lấy đắt như những người kia.

Anh lái xe không nói được tiếng Anh, giọng đặc sệt địa phương, nhiều từ mình nghe không ra. Trên xe anh nói chuyện điện thoại rất nhiều. Thấy anh khoe với gia đình là đang chở khách, có hai cô Hàn Quốc đi Lugu… rồi anh gọi video cho vợ báo cơm. Thực ra lúc đấy mình khá lo lắng và cảnh giác nên lúc anh nói chuyện với vợ nhanh tay chụp màn hình ảnh vợ anh …

Đường vắng, ít xe qua lại. Nên dù mệt hai đứa cũng không dám ngủ trên xe. Mình đeo kính đen vào để lúc chợp mắt một tý, anh lái xe cũng không biết.

Càng đi, càng thư giãn hơn một chút…

Anh lái xe thực ra rất nhiệt tình, hỏi rất nhiều chuyện nhưng do khác biệt ngôn ngữ nên mình không trả lời hết được. Sau đó, anh ấy mới biết bọn mình là người Việt Nam.

Hồ Lugu nằm ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, một phần thuộc hướng Tây Bắc tỉnh Vân Nam. Hồ Lugu đuợc biết đến như viên ngọc quý giữa cao nguyên, là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số Trung Quốc như Mosuo, Norzu, Yi, Pumi và Tây Tạng. Đông nhất là người Mosuo thuộc bộ tộc Moso.

Hồ Lugu nổi tiếng là “Vương quốc cuối cùng của chế độ Mẫu hệ” – hay còn gọi là Tây Lương Nữ Quốc của hiện thực.  

Hồ Lugu là tên gọi phổ biến trong giới phượt thủ. Tên tiếng Việt là hồ Lư Cô, theo tiếng Mosuo là hồ Mẫu Thân, có diện tích rộng đến 48 km vuông, nằm ở độ cao 2 690 m so với mặt nước biển.

Trong Tây Du Ký, Tây Lương Nữ Quốc là một quốc gia toàn phụ nữ. Thì ở hồ Lugu, phụ nữ đóng vai trò trụ cột trong gia đình. Bộ tộc Mosuo không có truyền thống cưới hỏi. Chính vì vậy, với họ không tồn tại định nghĩa “vợ” hoặc “chồng”. Họ gọi đó là tisese hoặc “cưới dạo”. Cũng bởi không có hôn nhân nên người Mosuo không có khái niệm “ly dị” hay “ly thân”.

Nói thật với các bạn, là khi biết đến hồ Lugu từ 4,5 năm trước mình đã vì yếu tố trên mà ấn tượng với vùng đất này. Và cũng vì phong tục tập quán lạ đời trên mà quyết thêm hồ Lugu vào lịch trình du hí Vân Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, đến đây rồi, mình lại bị chinh phục bởi hồ nước xanh và cảnh đẹp nơi đây, không bị ảnh hưởng bởi huyền thoại Tây Lương Nữ Quốc.

Bạn có thể đến thăm hồ Lugu từ Lệ Giang, quãng đường khoảng 217 km. Từ Lệ Giang đi Shangri La và hồ Lugu là hai hướng khác nhau. Nên thường mọi người chỉ chọn đi một trong hai nơi này. Nhưng mình quyết tâm đi cả hai!

Đường đi hồ Lugu vòng quanh những ngọn núi, cứ đi lên lại xuống, vòng qua vòng lại. Khu vực này có nhiều công trình xây dựng, nên núi bị bào mòn để lại lớp đất đá xám xịt. Dưới thung lũng có một hồ nước xanh ơi là xanh!

Hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc
Đường vòng quanh hồ Lugu, du khách có thể ngắm nhìn hồ từ nhiều góc độ

Xe đi với tốc độ trung bình 80 km/h về phía mặt trời đang lặn dần…

Chưa yên tâm, mình bật Baidu để check bản đồ, sau khi chắc chắn anh đi đúng đường, mình mới dám thở nhẹ một cái.

Du lịch Đại Lý Vân Nam
Sử dụng Baidu check xem bạn có đang đi đúng đường (Hình ảnh mang tính chất minh họa)

Chắc các bạn đã đọcphần trướcthì biếtsim 4Gmình đăng ký, vào mạng rất yếu, không thể tra cứu thông tin bằng Google, vào facebook, Instagram, Skype … càng không. Lúc đấy mình rất nản, nhưng được cái, là mạng đủ để dùng Baidu và bậtthẻ ISIC mỗi khi mua vé! Đúng là ông trời không nỡ phụ người có công!

Xe dần vào địa phận hồ Lugu. Ra khỏi xe, trời lạnh ngắt, hai đứa co ro mua vé. Vé vào cửa 100 tệ/người. Vì cóthẻ Sinh viên Quốc tế ISIC / IYTCnên bọn mình còn 50 tệ/ người.

Hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc
Vé thăm quan ở hồ Lugu được giảm 50% nhờ thẻ ISIC

Xe bắt đầu đi vòng quanh hồ, như vòng xoáy trôn ốc, vào sát tâm hồ hơn. Ánh mặt trời đỏ lan rộng trên bầu trời từ xa. Hai đứa ngồi trong xe ngắm mặt trời lặn huy hoàng rực rỡ trên hồ Lugu.

Lúc này, mình đưa địa chỉ khách sạn cho anh tài xế. Khách sạn mình đặt thực tế nằm trên đất Tứ Xuyên, ở bên kia hồ. Anh nói, nhà anh thì ở ngay đầu hồ thôi, nhưng hồ rất rất rộng, nên từ giờ đến lúc đến nơi cũng gần 1 giờ.

Trời tối, đường không đèn, không gian tối om, anh trấn an bọn mình, “đừng sợ, ở đây an ninh tốt lắm.”

Có những đoạn chỉ thấy cây cối, tối đen như mực. Có vài đoạn ngắn, đèn đường và quán xá sáng bừng nhộn nhịp. Nhìn trên bản đồ Baidu, đường vào khách sạn còn ngoằn ngoèo bất tận.

Xe đi vào sân khi bốn bề tối đen, mình còn tưởng khách sạn đóng cửa. Anh chủ quán nói được tiếng Anh ra đón bọn mình. Lúc đấy đã 8 giờ tối. Quán cà phê, nhà ăn tắt điện 100%, cửa đóng kín mít. Lúc đấy mình mới biết, do vùng hồ lắm côn trùng nên cần đóng cửa, tắt điện để tránh ruồi, muỗi, thiêu thân…

Khu nhà của anh làm bằng gỗ, hai tầng, mỗi phòng đều vuông vắn, rộng rãi. Anh dặn kỹ, tắm xong, sắp xếp đồ đạc, không cần đến đèn thì tắt điện ngay. Cửa thì khóa 24/24.

Bạn nào có làn da nhạy cảm lưu ý, nhớ mang bình xịt côn trùng đi, nếu không sẽ rất khó chịu!

Anh chủ có hỏi bọn mình mai về thế nào và đề nghị có xe từ đây về thẳng bến xe Lệ Giang, 100 tệ /người. Thấy quãng đường vòng quanh hồ cũng mất 1 giờ đi lại, hai đứa đi 300 tệ cũng không quá đắt. Nên khi anh chủ đề nghị có xe đón mình đồng ý ngay. Chứ đường độc đạo thế này, không có xe bus, xe điện ra bến xe. Sau đó đi tiếp xe khách về, có thể tiết kiệm hơn nhưng gian nan và tốn thời gian quá!

Điểm trừ duy nhất, là mai xe chạy từ 9h sáng, hai đứa sẽ không có nhiều thời gian chơi ở hồ Lugu. Lý tưởng hơn nếu xe 11h mới chạy! Nhưng đây là xe dân tiện đi Lệ Giang chở khách nên du khách không thể lựa chọn. Mỗi ngày có một giờ chạy khác nhau, tùy thuộc vào sự may mắn của bạn!

Hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc
Đường lên đồi, ngắm hồ từ các địa điểm trên cao

Thương hai du khách phải dời đi sớm, anh chủ hostel tốt bụng hứa sáng mai đưa hai đứa ra bến thuyền, ngắm hồ, quan trọng là FREE!

Đi thuyền độc mộc trên hồ mất khoảng 90 phút. Vì hồ Lugu không có nhiều hang động, đảo trên hồ mà là một tấm gương bằng phẳng rộng mênh mông nên bọn mình không định đi thuyền.

Hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc
Khu vực hồ có các biển chỉ dẫn cho du khách

Nằm ở độ cao như thế lại là vùng hồ nước nên Lugu lạnh vô cùng. Sau này đếnShangri Lamình thấy cũng lạnh ngang thế này, tầm mười mấy độ C. Bởi thế, nhà tắm có cả đèn sưởi.

8 giờ sáng như đã hẹn, anh chủ nhà lấy ô tô riêng đưa bọn mình ra bến thuyền gần đó. Anh chủ nhà tên là Phong, người Thành Đô, vài năm gần đây, anh mua đất mở thêm hostel trên này đón du khách quốc tế.

Hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc
Bến thuyền đưa du khách đi thăm hồ Lugu

Anh Phong nói, đây là địa điểm đẹp nhất ở hồ Lugu để ngắm mặt trời lặn.

Nước hồ xanh trong đến tận đáy, nhìn thấy rõ các loài thủy sinh dịu dàng phía dưới. Sáng sớm, hồ không một bóng người.

Hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc
Nước trong xanh nhìn xuống đến tận đáy

Không khí buổi sáng tinh khôi, lành lạnh. Vài chiếc thuyền gỗ màu nâu đỏ cô đơn lạc trôi giữa dòng như được sắp đặt một cách hữu ý làm cảnh quan thêm hữu tình.

Hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc
Những chiếc thuyền như được decor cho hồ Lugu

Hai đứa được anh Phong chụp giúp vài cái ảnh. Anh chụp rất đẹp nhờ kinh nghiệm đưa nhiều đoàn khách thăm quan. Khi rủ anh chụp ảnh chung, anh đã từ chối vì bản thân cảm thấy “shy”.

Hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc
Đây là địa điểm đẹp nhất để ngắm mặt trời lặn ở hồ Lugu

Xung quanh hồ còn nhiều đoạn không có nhà dân, hoang sơ, cách biệt. Nên ngoài việc đi dạo chụp ảnh ngắm hồ, đi xe đẹp… không có nhiều hoạt động để bạn trải nghiệm.

Hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc
Một góc hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc

Hồ Lugu rất phù hợp với nghỉ dưỡng, là nơi lý tưởng dành cho các cặp đôi. Cá nhân mình không thích đi xe đạp. Nhưng nếu thích, bạn có thể thuê xe đạp đi dạo quanh hồ, thấy chỗ nào hay ho thì dừng lại chơi.

Hồ Lugu Tây Lương Nữ Quốc
Bờ hồ nước trong nhìn rõ từng viên sỏi

Hồ Lugu không có nhiều hoạt động vui chơi vì điểm ấn tượng nhất ở đây là thiên nhiên trữ tình. Bạn dành thời gian 2 ngày 1 đêm ở đây là tuyệt vời nhất! Với những người ưa náo nhiệt như mình, thì ở lâu hơn có nguy cơ chán rất cao!

9 giờ, xe đến đón tận cửa khách sạn.

Xe ô tô đi quanh triền đồi, giúp du khách có thể ngắm toàn cảnh hồ Lugu. Du khách lác đác xuất hiện bên hồ, thư thả tạo dáng chụp ảnh.

Vì là một điểm đến mới nổi nên trung bình giá phòng khách sạn ở đây khá cao so vớiLệ Giang , Đại Lý. Nhưng hostel của anh Phong mình đặt quaBooking.com, giá chưa đến 100 tệ/đêm. Tên Hostel của anh là Wind’s Guesthouse of Lugu Hu

Chặng đường tiếp theo, bọn mình về lại Lệ Giang rồi bắt xe bus điShangri La.

Các bạn hãy tiếp tục theo dõi câu chuyện của hai đứa mình nhé!

Đọc thêm:

Tổng hợp Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc 

Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa Trung Quốc (Phần 1)

Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Thành phố mùa Xuân Côn Minh (Phần 2)

Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam – Đại Lý huyền thoại (Phần 3)

Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Mơ màng Lệ Giang (Phần 4)

Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Đại Nghiên Cổ Trấn, Thúc Hà Cổ Trấn (Phần 5)

Hành trình 9 ngày: Lệ Giang – Shangri La – Tu viện Songzanlin – Hồ Napa: chuyện giờ mới kể

Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Kỳ vĩ Ngọc Long Tuyết Sơn (Phần 6)

Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Đi tìm chân trời đã mất ở Shangri La (Phần 8)

Nhật ký Vân Nam – Hồ Nam: Tìm đường đến Trương Gia Giới (Phần 9)

Thủ tục xin visa du lịch Trung Quốc dành cho bạn làm lần đầu

Bỏ túi kinh nghiệm du lịch núi Thương Sơn (Trung Quốc) tự túc

Từ trải nghiệm thực tế xếp hàng xin visa đến văn hóa xếp hàng

Du lịch Bangkok tự túc một mình dành do bạn gái

Lễ hội té nước Songkran – Thái Lan: tuổi trẻ hội tụ

Hướng dẫn làm Visa Hàn Quốc du lịch tự túc siêu chi tiết 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here